Nhiều quốc gia lên tiếng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông

23/09/2021 | 08:41 GMT+7

Việc Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông và đưa ra nhiều yêu sách, quy định bất hợp pháp thời gian gần đây đã làm “nóng” lên dư luận quốc tế.

Một tàu hải giám của Trung Quốc. Nguồn: CHINADAILYMAIL.COM

Kể từ ngày 1-9-2021, Luật An toàn Giao thông hàng hải của Trung Quốc có hiệu lực đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bởi lẽ, luật này đưa ra một số quy định mới đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua hoặc hoạt động trong vùng lãnh hải Trung Quốc phải tuân thủ nhiều quy định mang tính bắt buộc của Bắc Kinh. Các quy định mới này chẳng những làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và eo biển Đài Loan mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ đây là tuyến giao thương huyết mạch quốc tế của hàng trăm quốc gia.

Tiến sĩ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới (Ấn Độ), cho rằng: “Quy định này buộc người điều khiển tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và các tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác được yêu cầu phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc. Quy định mới cũng đưa ra các hướng dẫn và quy trình thủ tục cho các tàu nhằm “thông báo tên, tín hiệu liên lạc, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo và thậm chí cả thời gian đến dự kiến cho chính quyền Trung Quốc”.

Các quy định mới này sẽ làm gia tăng căng thẳng nếu Trung Quốc thực thi nghiêm ngặt tại Biển Đông, eo biển Đài Loan và cả Biển Hoa Đông. Bởi lẽ, lâu nay Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp tại vùng biển này, coi Biển Đông là lãnh hải của quốc gia này. Do vậy việc nhiều quốc gia lên tiếng phản đối là hoàn toàn có cơ sở.

Về quan điểm pháp lý, theo Điều 3 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các quốc gia có thể đưa ra yêu sách lãnh hải không quá 12 hải lý, được tính từ đường cơ sở xác định theo ngấn nước thủy triều thấp nhất. Ngoài ra, theo UNCLOS năm 1982, các tàu thuyền có quyền “qua lại vô hại” miễn là “phù hợp với Công ước này và các quy tắc khác của luật pháp quốc tế” và “không phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển”.

Như vậy, yêu cầu các chủ tàu phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc có thể bị coi là một hành vi áp đặt gây cản trở việc thực hiện quyền đi qua vô hại của các tàu thuyền nước ngoài. Điều này trái với điểm a, khoản 1, điều 24 của UNCLOS.

Trong một động thái liên quan, mới đây Nhật Bản đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế về tình hình căng thẳng ở các khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nhận định Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức mạnh cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Bắc Kinh “đang cố gắng sử dụng sức mạnh này để đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, những khu vực trọng yếu đối với tuyến vận tải biển toàn cầu, gồm các vùng biển và hải đảo mà một số quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.

Ông Nobuo cho rằng, nghị viện châu Âu, cũng như các nước Anh, Pháp, Đức và Hà Lan, dù đều thể hiện sự quan tâm đến “một môi trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, song “điều quan trọng là nhiều quốc gia phải lên tiếng đối với tình hình hiện tại”.

Thời gian gần đây, EU đã chính thức công bố chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với tên gọi Chiến lược của EU hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với EU, đây là chiến lược đầu tiên đối với khu vực hiện đang là tâm điểm của chính trị thế giới. Trước EU, nhiều nước khác đã công bố chiến lược riêng đối với khu vực này như Pháp năm 2018, Hà Lan và Đức năm 2020 và cả Mỹ hay Anh đều cũng đã như vậy.

Mới đây nhất, Mỹ, Anh và Australia cũng đã công bố thành lập liên minh an ninh tay ba (AUKUS) cũng như cuộc gặp cấp cao trực tiếp sắp tới của Bộ Tứ kim cương - gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - ở Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dù không chỉ đích danh nhưng về sâu xa đây là sự liên kết để gia tăng sức mạnh quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định, mặc dù các quốc gia liên quan đã có những động thái liên kết để đối phó Trung Quốc bảo vệ UNCLOS nhưng kết quả vẫn chưa được khả quan. Điều cốt lõi hiện nay là cần có giải pháp đủ mạnh để đẩy lùi âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>