Nguy cơ Myanmar bị chia cắt vì nội chiến

16/11/2023 | 08:53 GMT+7

Xung đột giữa quân đội Myanmar và phiến quân lại gia tăng căng thẳng khi phiến quân tuyên bố vừa bắn rơi máy bay quân đội.

Tên lửa được phóng từ căn cứ quân sự ở thị trấn Lashio, bang Shan, miền Bắc Myanmar ngày 28-10. Ảnh: AFP

Mới đây, Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF) tuyên bố đã bắn rơi một chiến đấu cơ của quân đội Myanmar ở khu vực miền Đông,  gần biên giới Thái Lan. Đây là máy bay chiến đấu hạng nhẹ chở hai phi công rơi tại miền Đông của Myanmar. Sự việc diễn ra khi KNDF và quân đội Myanmar xảy ra đụng độ vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho hay chiếc phi cơ đang bay huấn luyện và bị rơi do hỏng động cơ. Ông cho biết thêm, cả hai phi công đều đã liên lạc với quân đội.

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), đến nay đã có gần 50.000 người phải di dời trong cuộc giao tranh ở bang Shan, gần biên giới Trung Quốc, sau khi ba nhóm phiến quân phát động một chiến dịch tấn công chính quyền ở phía Đông Bắc Myanmar. Đây được coi là đợt tấn công lớn nhất của các nhóm nổi dậy chống lại chính quyền quân sự Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.

Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án mọi hình thức bạo lực và tiếp tục khẳng định dân thường cần được bảo vệ. Ông kêu gọi kiềm chế, giảm leo thang căng thẳng và người dân được tiếp cận viện trợ nhân đạo.

LHQ cho biết, những tuyến đường quan trọng bị cản trở do các trạm kiểm soát hai bên giao tranh lập nên, dịch vụ điện thoại và internet bị gián đoạn. Sân bay chính ở Lashio, thị trấn lớn nhất bang Shan, bị đóng cửa từ khi giao tranh leo thang.

Vùng biên giới của Myanmar là nơi trú ngụ của hơn chục nhóm phiến quân, trong đó một số nhóm đã đối đầu với quân đội suốt nhiều thập kỷ để giành quyền tự chủ và kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khu vực cũng từng xảy ra đụng độ giữa các nhóm phiến quân và lực lượng dân quân thân quân đội.

Liên minh Huynh đệ gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Arakan (AA) hồi cuối tháng 10-2023 đã phát động Chiến dịch 1027, tấn công loạt căn cứ của quân đội Myanmar tại bang Shan và bang Kachin. Quân đội Myanmar hôm 2-11 thừa nhận đã mất quyền kiểm soát thị trấn Chinshwehaw chiến lược, giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Ngày 4-11, Liên minh Huynh đệ tuyên bố họ đã chiếm giữ hàng chục tiền đồn, 4 thị trấn và phong tỏa các tuyến đường thương mại quan trọng đến Trung Quốc. Quân đội Myanmar chưa bình luận về thông báo này của Liên minh Huynh đệ, nhưng trước đó họ nói rằng những tuyên bố “giành được vài thị trấn” của nhóm vũ trang chỉ nhằm “tuyên truyền”.

Trước đó, Lữ đoàn 143 cũng buông súng đầu hàng nhóm nổi dậy ở bang Shan, trước khi quân đội Myanmar thông báo mất quyền kiểm soát thị trấn Chinshwehaw ở biên giới. Theo MNDAA, chỉ huy lữ đoàn 143, đóng quân gần làng Kan Mong ở thị trấn Kunlong, bang Shan, quyết định đầu hàng thay vì chiến đấu với các nhóm nổi dậy để bảo vệ căn cứ. MNDAA nói rằng nhóm này đã cho phép binh lính lữ đoàn 143 trở về với gia đình và hỗ trợ chi phí đi lại cho họ.

Ngoài lữ đoàn 143, một đơn vị bộ binh khác của quân đội Myanmar được cho là đã rút khỏi tiền đồn, nằm giữa thị trấn Theinni và Lashio, khi nhóm nổi dậy TNLA tấn công đêm 31-10.

Nội chiến ở Myanmar leo thang khiến nhiều quốc gia bắt đầu sơ tán công dân nước mình. Chính quyền Thái Lan đang nhanh chóng tìm cách đưa 162 công dân Thái đang mắc kẹt ở Myanmar về nước, trong bối cảnh giao tranh tiếp tục leo thang khiến hàng chục ngàn người đã phải sơ tán khỏi nước này.

Tổng thống Myanmar Myint Swe cảnh báo quốc gia này có nguy cơ bị chia cắt nếu quân đội không thể ngăn những cuộc tấn công từ các nhóm vũ trang sắc tộc tại khu vực dọc biên giới với Trung Quốc. 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>