Nguy cơ chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân

24/02/2023 | 07:27 GMT+7

Việc Nga tạm đình chỉ tham gia vào NEW START với Mỹ đã dấy lên quan ngại một cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân ở những quốc gia tiềm năng.

Binh sĩ Nga trình diễn tên lửa hạt nhân tầm xa RS-24 Yars trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hàng năm. Ảnh: GLOBAL LOOK PRESS

Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (NEW START) là thỏa thuận mới nhất trong một loại các cam kết giữa Mỹ và Nga (hay Liên Xô cũ), được ký kết vào năm 2010 bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ năm 2011, tập trung vào việc giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai. Cụ thể, kho vũ khí chiến lược của Mỹ và Nga bị giới hạn ở mức 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa; 1.550 đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom và 800 bệ phóng “đã triển khai và chưa triển khai”.

Bên cạnh đó, tháng 1-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Mỗi năm, Matxcơva và Washington được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ New START.

Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Washington và Matxcơva đã tham gia vào một cuộc chạy đua làm đầy kho dự trữ hạt nhân của mình, tạo ra những nguy cơ an ninh toàn cầu. Tới năm 1960, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson kêu gọi Nga đàm phán để hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân của 2 nước.

Dưới thời Tổng thống Richard M. Nixon, hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược SALT bắt đầu được thỏa thuận. Đến năm 1972, Mỹ và Liên Xô đã ký kết hiệp ước phòng thủ tên lửa đạn đạo và thỏa thuận hạn chế xây dựng hầm chứa tên lửa đạn đạo. Các thỏa thuận tiếp theo bao gồm START I và SORT đã giúp 2 nước cắt giảm đáng kể số đầu đạn hạt nhân của mình.

Trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều đã đáp ứng được các giới hạn vũ khí từ tháng 2-2018 và vẫn duy trì kể từ đó. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 nổ ra, các cuộc thanh sát đã không được thực hiện. Tới khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quan hệ ngoại giao giữa Washington và Matxcơva càng trở nên căng thẳng.

Vào tháng 11-2022, Nga đã đơn phương hoãn cuộc họp kỹ thuật về hiệp ước với các quan chức Mỹ vì “lý do chính trị”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “không thể xác nhận Nga đã tuân thủ hiệp ước”, bởi các cuộc thanh sát trên lãnh thổ Nga đều bị từ chối.

Trong một động thái liên quan, ngày 22-2, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật về việc đình chỉ New START. Trước đó cùng ngày, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đã thông qua dự luật này sau khi được Tổng thống Putin trình lên một ngày trước đó. Dự luật này sẽ có hiệu lực tại thời điểm được công bố chính thức. Quyết định khôi phục tham gia hiệp ước sẽ do Tổng thống Nga đưa ra.

Mặc dù chỉ tạm dừng tham gia hiệp ước New START, không rút khỏi hoàn toàn nhưng động thái này của Nga đã bị nhiều quốc gia lên tiếng phản đối. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo việc Nga quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước đã khiến thế giới có “nhiều vũ khí hạt nhân hơn và trở nên nguy hiểm hơn”.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng đây là hành động thể hiện “sự vô trách nhiệm” của Nga, khẳng định Washington sẽ quan sát kỹ lưỡng và vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán bất cứ lúc nào.

Đáng quan ngại là tiếp sau động thái đình chỉ New START, Tổng thống Nga Putin và quan chức Nga cho biết, Matxcơva sẽ tiếp tục chú ý hơn nữa đến việc tăng cường lực lượng hạt nhân của mình. Động thái này làm dấy lên quan ngại một cuộc đua ngầm phát triển vũ khí hủy diệt sẽ được quốc gia này triển khai. Điều này đồng nghĩa với một cuộc đua phát triển vũ khí hủy diệt đang ngấm ngầm trong lòng các quốc gia tiềm năng. Đây cũng chính là nỗi lo của những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>