Nga đóng “hành lang ngũ cốc” ở Biển Đen: Khẩu chiến về khủng hoảng lương thực

03/11/2022 | 08:35 GMT+7

Sau cuộc chiến dầu khí, cuộc chiến ngũ cốc cũng không kém phần gay cấn giữa Ukraine, phương Tây và Nga.

Ảnh: RT

Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo, quân đội nước này đã đóng cái gọi là “hành lang ngũ cốc”, được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine qua Biển Đen cho tới khi tình hình quanh các vụ tấn công khủng bố của Ukraine vào các tàu dân sự và quân sự ở Sevastopol được giải quyết.

Quyết định này được đưa ra sau khi Kiev có những hành động khiêu khích, dùng tuyến đường này để tiến hành các cuộc tấn công. Theo đó, Ukraine tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sáng sớm 29-10, khiến một số tàu Nga được dùng để tuần tra ở Biển Đen bị hư hại. Nga đã đổ lỗi cho Anh về vụ việc xảy ra ở gần Sevastopol và cho biết một đơn vị của Anh đứng sau cuộc tấn công này. Tuy nhiên, London đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Giới chức Nga cũng cho biết thêm, Matxcơva không rút khỏi thỏa thuận mà chỉ đình chỉ trong một thời gian không xác định. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẵn sàng bù đắp lượng ngũ cốc Ukraine thiếu hụt xuất sang các nước nghèo từ chính kho dự trữ của nước này. Ông Peskov cảnh báo, hiện nay thỏa thuận ngũ cốc đã trở nên rủi ro và nguy hiểm hơn vì Nga không thể đảm bảo an ninh hàng hải tại vùng biển được chỉ định là hành lang ngũ cốc. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ liên lạc với các bên khác, gồm cả Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, Matxcơva vẫn chưa sẵn sàng tiếp tục tham gia vào thỏa thuận.

Liên quan tới thỏa thuận ngũ cốc được nhất trí tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, giao kèo về ngũ cốc giữa Matxcơva và Kiev không đạt được các mục tiêu đề ra. Theo ông Putin, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine được xuất khẩu theo thỏa thuận đã không tới được những nước nghèo hơn mà thay vào đó lại tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Việc Nga quyết định ngừng tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine ở Biển Đen đã châm ngòi cho một loạt tranh cãi, cáo buộc giữa các bên. Phản ứng với quyết định của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng: “Nga cố tình làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vào tháng 9, khi nước này chặn đường di chuyển của các tàu chở lương thực của chúng tôi”.

Ông Zelensky cho rằng, Nga không thể nằm trong số những nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nếu nước này cố tình làm những việc gây ra nạn đói ở một số châu lục. Ông Zelensky kêu gọi quốc tế, đặc biệt là G20 và LHQ, phản ứng mạnh mẽ sau động thái của Nga.

Trong một động thái liên quan, ông Zelensky cho biết, ông đã nói chuyện với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và xác nhận cam kết của Ukraine đối với thỏa thuận ngũ cốc, với khẳng định: “Chúng tôi đã sẵn sàng trở thành người bảo đảm cho an ninh lương thực”.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án quyết định trên của Nga. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Quyết định vô lý của Nga khi đình chỉ tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của LHQ gây cản trở xuất khẩu ngũ cốc vốn rất cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”. Theo ông Borrell, Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu mà nước này đã gây ra do thực hiện chiến dịch ở Ukraine và phong tỏa các cảng biển Ukraine.

Cáo buộc lẫn nhau vi phạm Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vô hình trung đã đẩy cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng sâu rộng hơn ở những nước nghèo. Điều này đồng nghĩa với nghịch lý trong khi ngày càng có nhiều người nghèo đói cần lương thực thì ngũ cốc lại dư thừa ở Ukraine.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, điều kiện để nối lại thỏa thuận ngũ cốc khi Ukraine đảm bảo hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine liên quan đến nỗ lực vận chuyển ngũ cốc sẽ không bị sử dụng cho các hành động chống Nga. 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>