Nạn đói gia tăng toàn cầu

19/07/2023 | 07:42 GMT+7

Hàng triệu người rơi vào cảnh đói cùng cực cần được cứu trợ khẩn cấp đang là mối quan tâm của các tổ chức nhân đạo trên thế giới. 

Trẻ em nhận bữa ăn từ thiện tại Howlwadag, phía Nam thủ đô Mogadishu, Somalia. Ảnh: AFP

Tổ chức Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo cho biết điều kiện khô hạn nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi đã khiến khoảng 2,7 triệu người dân nơi đây buộc phải di dời khỏi nơi ở.

Trong số này hiện có khoảng 1,7 triệu người tại Somalia, 516.000 người tại Ethiopia và 466.000 người thuộc về Kenya. WFP cũng cảnh báo con số này càng tăng nhanh hơn khi thiên tai, dịch bệnh và xung đột liên tục diễn ra ở nhiều nơi.

Báo cáo của WFP đưa ra nhận định: “Vùng Sừng châu Phi đã trải qua thời tiết khô hạn tiếp nối những mùa mưa có lượng mưa dưới trung bình kể từ năm 2020, gây tác động tới nông nghiệp, chăn nuôi, thảm thực vật, nguồn nước, kế sinh nhai và hoạt động chăn nuôi… khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu đói”.

Kể từ cuối năm 2020, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan, đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

WFP ước tính tổng cộng khoảng 23,4 triệu người dân tại vùng Sừng châu Phi hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực và 5,1 triệu trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng do các điều kiện khô hạn kéo dài.

Theo tính toán, để giải quyết nạn đói vùng Sừng châu Phi nhu cầu cần hơn 7 tỉ USD, tuy nhiên con số vận động và cam kết thực hiện của các nước chưa đến 50% nhu cầu.

Cùng vấn đề liên quan, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, 75 triệu người dân trên thế giới đang rơi vào cảnh nghèo cùng cực, được định nghĩa là sống với mức thu nhập chưa đến 2,15 USD/ngày trong giai đoạn từ 2020 đến cuối 2023. Trong khi đó, sẽ có thêm 90 triệu người bị đẩy xuống ngưỡng nghèo với mức thu nhập dưới 3,65 USD/ngày.

Chỉ tính riêng đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy 165 triệu người trên thế giới vào diện nghèo tính từ năm 2020 đến nay.

Báo cáo nêu rõ, những người nghèo nhất lại là những người chịu tác động tồi tệ nhất và thu nhập năm 2023 của những người này có thể còn thấp hơn mức ghi nhận trước đại dịch Covid-19.

Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết, nhiều người ở những nước phát triển đã đầu tư cho những mạng lưới an toàn trong 3 năm qua đều tránh được cảnh nghèo khổ. Còn ở những nước nợ nần chồng chất, mức nợ công cao cũng kéo theo chi tiêu cho an sinh xã hội không phù hợp và tỷ lệ người nghèo cũng tăng một cách đáng báo động.

Báo cáo kêu gọi giãn nợ cho các nước đang gặp khó khăn về kinh tế để những nước này có thể dành khoản tiền chuẩn bị cho việc trả nợ cho việc chi tiêu an sinh xã hội và ứng phó với những ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo khác của LHQ công bố ngày 12-7, khoảng 3,3 tỉ người, tức là gần 50% dân số thế giới sống tại các quốc gia chi nhiều cho thanh toán lãi nợ công hơn cho giáo dục và y tế. Trong khi đó, các nước đang phát triển, dù có mức nợ công thấp, vẫn phải trả lãi nhiều hơn, một phần vì lãi suất cao.

Đầu tuần này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng thúc đẩy cải cách các thể chế tài chính quốc tế cho phù hợp để các quốc gia nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần nhằm giải quyết bài toán nghèo đói.

Mặc dù có nhiều động thái liên quan để chạy đua vận động cứu trợ nạn đói toàn cầu đang được các tổ chức nhân đạo trên thế giới xúc tiến, tuy nhiên khó có thể giải quyết triệt để bởi thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… vẫn liên tục diễn ra theo chiều hướng xấu hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>