Mỹ: “Sức nóng” từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

31/10/2022 | 08:09 GMT+7

Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ là cuộc bầu cử giữa hai lần bầu tổng thống.

Cử tri bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại TP.El Paso, bang Texas, Mỹ hôm 24-10. Ảnh: REUTERS

Cứ 2 năm một lần, cử tri ở Mỹ bầu toàn bộ 435 hạ nghị sĩ, trên dưới một phần ba trong tổng số 100 thành viên thượng viện và một số thống đốc bang. Cuộc bầu cử được tiến hành vào ngày thứ ba đầu tiên sau ngày 1-11 như đã được quy định bằng luật từ năm 1845. Vào ngày 8-11 tới, cử tri Mỹ bầu 435 hạ nghị sĩ, 35 thượng nghị sĩ và thống đốc 36 bang.

Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ luôn được nhìn nhận như cuộc trưng cầu ý dân về nửa nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống. Cử tri bầu chọn nghị sĩ nhưng “phán xét” tổng thống và thể hiện sự “phán xét” tổng thống ở quyết định lựa chọn nghị sĩ. Vì thế, ngoài một vài lần ngoại lệ trong lịch sử xưa nay, đảng có tổng thống đương nhiệm thường bị thất cử trong các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Theo đài CNN, nhiều người dân đang bất mãn đối với một số vấn đề kinh tế hiện nay, trong đó có lạm phát cao. Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy người dân không đánh giá cao khả năng điều hành nền kinh tế của ông Biden. Diễn biến này đe dọa đến khả năng duy trì thế đa số của đảng Dân chủ tại lưỡng viện quốc hội.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay ở Mỹ đều đưa đến dự báo khá giống nhau là đảng Dân chủ sẽ không bảo vệ được đa số hiện có trong hạ viện và chỉ trong kịch bản khả quan nhất mới có thể duy trì được đa số như đang có trong thượng viện.

Trong số 35 ghế thượng viện bầu lại lần này thì 21 hiện thuộc về đảng Cộng hòa và 14 thuộc về đảng Dân chủ. Để chiếm đa số trong thượng viện, phe đảng Cộng hòa phải giành về được ít nhất 22 ghế trong khi phía đảng Dân chủ chỉ cần có 14 ghế.

Chính trị thế giới, an ninh thế giới và đối ngoại rất hiếm khi có tác động quyết định tới bầu cử tổng thống và quốc hội ở Mỹ. Ở cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay cũng vậy. Những chủ đề nội dung chính dẫn dắt quyết định của cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu ứng cử viên nào là tình trạng lạm phát cao, cấm hoặc cho phép phụ nữ phá thai, tội phạm gia tăng và vấn đề nhập cư, tị nạn.

Cứ theo chiều hướng diễn biến tình hình chính trị, xã hội nội bộ ở Mỹ trong thời gian vừa qua thì kịch bản đảng Dân chủ bảo vệ được đa số hiện có trong lưỡng viện lập pháp ít khả năng xảy ra nhất. Kịch bản đảng Cộng hòa kiểm soát được hạ viện trong khi đảng Dân chủ vẫn hơn phe đảng Cộng hòa ở thượng viện nhiều khả năng xảy ra nhất.

Đồng thời, hoàn toàn không thể loại trừ kịch bản đảng Cộng hòa chinh phục được đa số ở cả hạ viện và thượng viện. Như thế có nghĩa là Tổng thống Joe Biden sẽ bất lợi nhiều hơn thuận lợi trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại.

Tuy nhiên, điều quyết định nhất là mức độ thắng hay thua của hai phe. Không có đa số trong lưỡng viện lập pháp hoặc chỉ kiểm soát được một trong lưỡng viện lập pháp, tổng thống thuộc phe cầm quyền đúng là gặp nhiều khó khăn trong cầm quyền, thậm chí còn bị coi là “vịt què”.

Dù vậy, điều này hoàn toàn không có nghĩa là nhà lãnh đạo này không còn có thể đạt được thành tựu cầm quyền quan trọng nào nữa trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại.

Mức độ thắng hay thua trong cuộc bầu cử sắp tới cũng có tác động quyết định tới toan tính của ông Biden và người tiền nhiệm Donald Trump về việc ra tranh cử tổng thống năm 2024. Phải sau cuộc bầu cử ngày 8-11 tới này, hai người ấy mới quyết định.

Nếu ông Trump tái ứng cử thì nhiều khả năng ông Biden sẽ tái ứng cử. Nhưng nếu ông Trump không tái ứng cử thì chắc ông Biden sẽ phải cân nhắc thấu đáo hơn việc tái ứng cử. Kiểu cách bầu cử tổng thống và quốc hội như thế này làm cho nước Mỹ gần như luôn trong tình trạng vận động tranh cử.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>