Mỹ khẳng định không rút quân khỏi Syria

30/03/2023 | 18:24 GMT+7

Bất chấp các vụ tấn công nhằm vào Quân đội Mỹ, Washington vẫn tuyên bố không rút quân khỏi Syria.

Khói bốc lên sau một vụ không kích của Mỹ nhằm vào Syria. Ảnh: Reuters

Mới đây, một căn cứ của Mỹ tại mỏ dầu Al-Omar ở miền Đông Bắc Syria đã bị tấn công bằng tên lửa sau khi quân đội Mỹ thực hiện nhiều cuộc không kích ở Syria vào tối 23-3.

Washington cáo buộc các nhóm liên kết với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gây ra vụ tấn công bằng máy bay không người lái giết chết một nhà thầu Mỹ, đồng thời làm bị thương một nhà thầu khác và 5 binh sĩ Mỹ. Sau đó, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích đáp trả.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria cho biết có ít nhất 16 người thiệt mạng trong các cuộc không kích này của Mỹ. Bộ Ngoại giao Syria đã bày tỏ quan ngại việc Mỹ tiến hành các vụ không kích.

Liên tục nhiều ngày qua, các căn cứ của Mỹ ở Syria bị tấn công bằng nhiều hình thức gây ra không ít thương vong. Sau đó, Mỹ trả đũa bằng các đợt không kích nhằm vào lực lượng đối lập tại Syria. Động thái “ăn miếng trả miếng” này đã làm cho Syria vốn đã bất ổn nay lại càng mất an ninh trật tự làm cho người dân hoang man lo lắng.

Trong một động thái liên quan, mới đây Washington khẳng định sẽ không rút quân khỏi Syria bất chấp các vụ tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ trong thời gian gần đây.

Sau 8 năm triển khai lực lượng tại Syria nhằm hỗ trợ quốc gia Trung Đông này chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện có khoảng 900 binh sĩ Mỹ ở Syria, phần lớn ở miền Đông nước này. Tuy nhiên, trong thời gian đồn trú tại đây, quân đội Mỹ luôn bị các lực lượng đối lập tấn công mặc dù về cơ bản lực lượng IS đã bị tiêu diệt tại Syria. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng Mỹ ở Syria đã bị các nhóm nổi dậy tấn công khoảng 78 lần gây ra nhiều thương vong.

Theo đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen, tình hình tại Syria hiện nay nghiêm trọng chưa từng thấy, đòi hỏi sự lãnh đạo, hợp tác và tìm ra giải pháp của nhiều quốc gia liên quan. Ông Pedersen khẳng định: “Một giải pháp chính trị là con đường duy nhất cho Syria hiện nay”. Theo đó, giải pháp được đề cập đến chính là phải khôi phục chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân nước này. Ông Pedersen nêu rõ tuần vừa qua đánh dấu 12 năm kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát ở Syria và thực trạng hiện nay “không thể chấp nhận được”.

Đặc phái viên LHQ cũng bày tỏ lo ngại trước việc Ủy ban Hiến pháp Syria dừng hoạt động trong 10 tháng, đồng thời cho rằng động thái này “phát tín hiệu xấu cho thấy khả năng Syria tìm được giải pháp toàn diện đã bị hạn chế bởi những vấn đề không liên quan đến nước này”. Ông kêu gọi ủy ban trên nhóm họp lại tại Geneva (Thụy Sĩ) trên tinh thần khẩn trương, thỏa hiệp và thực chất.

Tháng 10-2019, Ủy ban Hiến pháp của Syria, bao gồm 150 thành viên trong chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự, lần đầu tiên nhóm họp tại Geneva. LHQ xem đây là bước đi đầu tiên hướng tới hòa giải chính trị tại Syria. Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa các phe đối lập vẫn tồn tại trong lòng đất nước Syria. Từ đó tình hình an ninh chính trị vẫn luôn trong tình trạng báo động.

Trong một diễn biến mới nhất, Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cáo buộc Israel tiến hành cuộc không kích nhắm vào một số vị trí của quân đội Syria ở khu phố Al-Midan, thủ đô Damascus trong đêm 29-3. Ngay sau đó, Syria đã kích hoạt các hệ thống phòng không. Các cuộc không kích diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Những diễn biến trên càng làm gia tăng căng thẳng tình hình an ninh chính trị ở Syria khiến quốc gia Trung Đông này vốn dĩ đã bất ổn nay lại càng rối rắm hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>