Mỹ, EU tạo xung lực cho COP 26

12/10/2021 | 17:39 GMT+7

Biến đổi khí hậu đang gây tác hại nghiêm trọng toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia né tránh cam kết ủng hộ tài chính. Việc Mỹ, EU lên tiếng tăng kinh phí ủng hộ COP 26 đã phát đi tín hiệu khả quan mới.

Ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và các hậu quả tiêu cực khác đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.  Ảnh: UN

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho biết, mục tiêu viện trợ 100 tỉ USD mỗi năm để chống biến đổi khí hậu vẫn còn rất xa khi hiện chỉ mới có gần 80 tỉ USD được giải ngân vào năm 2019.

Theo cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 2009 ở Copenhagen (Đan Mạch), các nước giàu sẽ tăng dần viện trợ cho các nước thu nhập thấp toàn cầu lên mức 100 tỉ USD (86,5 tỉ euro) mỗi năm vào năm 2020 nhằm giúp các nước đang phát triển giảm ô nhiễm CO2 và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, hiện các nước giàu đã không viện trợ đầy đủ kinh phí mỗi năm theo cam kết. Từ đó ảnh hưởng đến công tác chống biến đổi khí hậu.

Trước thực tế trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đã tăng gấp đôi viện trợ và cam kết sẽ đóng góp 11,4 tỉ USD/năm vào năm 2024, nhưng con số này vẫn không đủ để thu hẹp khoảng cách. Canada và Đức dự kiến sẽ công bố các cam kết bổ sung trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26) sắp diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố Glasgow (Scotland).

Chủ trì COP 26, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: Một trong những thách thức lớn nhất mà các cuộc đàm phán về khí hậu phải đối mặt là sự thiếu hụt lòng tin giữa các bên và tài chính khí hậu có thể là vấn đề gay gắt nhất được đưa ra thảo luận tại hội nghị tới.

Trưởng ban khí hậu LHQ Patricia Espinosa cũng nhất trí rằng thực hiện cam kết chính là một “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề nan giải khác. Nếu chúng ta có thể có được một viễn cảnh tốt về cam kết 100 tỉ USD, chúng ta sẽ có phương tiện để đạt tiến bộ trong một số vấn đề khác.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan thuộc LHQ, cảnh báo số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970. Trong đó phải kể đến:  Đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất ở Hy Lạp trong nhiều thập kỷ đã làm bùng phát những đám cháy rừng gây thương vong. Hỏa hoạn cũng thiêu rụi gần 100.000ha rừng trong năm nay. Thủ tướng Hy Lạp gọi đây là “thảm họa sinh thái lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ” ở nước này. Cháy rừng mới tại bang California của Mỹ gây thiệt hại nghiêm trọng. Trận lũ lụt nghiêm trọng nhất ở Đức vào tháng 7 năm nay đã khiến 165 người thiệt mạng sau khi các đợt mưa lớn trút xuống quốc gia này. Cùng thời gian này, ở Trung Quốc mưa lớn chưa từng có đã gây lũ lụt lớn cướp đi sinh mạng của hơn 300 người khi thành phố Trịnh Châu, miền Nam nước này. Sương giá gây thiệt hại nặng nề tại Pháp. Hiện tượng thời tiết cực đoan này đã làm giảm khoảng 30% sản lượng nho của nước này, gây thiệt hại tới 2 tỉ euro (2,3 tỉ USD). Nạn châu chấu, lũ quét và lở đất ở Đông Phi đe dọa gây khủng hoảng lương thực tại khu vực này. Hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể khiến tình trạng hạn hán tiếp diễn trong nhiều thập kỷ...

Trước hệ lụy nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “Hành động quyết định ngay bây giờ để ngăn chặn thảm họa khí hậu. Cứu thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai là trách nhiệm chung”. Theo ông, hội nghị bàn tròn lần này là “một lời cảnh tỉnh để khơi dậy cảm giác cấp bách về tình trạng nghiêm trọng của quá trình khí hậu trước COP 26”.

Trong một động thái liên quan, mới đây 24 nước đã tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm methane toàn cầu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng nhằm tạo xung lực cho COP 26 dự kiến diễn ra tại Anh vào tháng 11 tới. Mục tiêu là tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so với mức của năm 2020. Methane là tác nhân lớn thứ hai, sau CO2, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Một số báo cáo gần đây nhấn mạnh việc các chính phủ cần coi trọng các biện pháp giảm thiểu khí methane phát thải trong không khí để thực hiện mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Việc các nước quay lại cam kết hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu đã phát đi tín hiệu mới tạo tiền đề giúp giảm nhẹ thiên tai tác động đến toàn cầu.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>