Lo ngại về cuộc khủng hoảng di cư ở cửa ngõ phía Đông châu Âu

16/11/2021 | 08:30 GMT+7

Hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới giữa Ba Lan và Belarus trong thời tiết giá rét và thiếu thốn.

Người di cư đổ dồn về biên giới Belarus tiếp giáp với Ba Lan, Litva và Latvia. Ảnh: AP

Nhiều tháng nay, người di cư bất hợp pháp ở nhiều độ tuổi, đa phần đến từ Afghanistan, Trung Đông và châu Phi, đang đổ dồn về biên giới của Belarus tiếp giáp với các quốc gia láng giềng châu Âu, gồm Ba Lan, Litva, Latvia. Họ tìm cách và chờ cơ hội để vào châu Âu.

Theo lực lượng biên phòng Ba Lan, kể từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 30.000 người đã tìm cách vượt biên trái phép từ Belarus vào nước này. Dù giới chức Ba Lan đã đóng cửa khẩu Kuznica với Belarus, tuy nhiên, vẫn có khoảng 4.000 người di cư cắm trại dọc theo tuyến biên giới dài 416km giữa 2 nước. Warszawa đã điều 15.000 binh sĩ đến dọc biên giới nước này để ngăn chặn làn sóng di cư vượt biên. Tuy nhiên, điều này cũng khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng.

Nguy cơ xung đột ngày càng hiện hữu khi quân đội hai phía đều xuất hiện tại vùng biên. Tình hình căng thẳng trên thực địa còn lan sang cả các quốc gia láng giềng. Litva, Latvia và Ukraine đều triển khai binh lính giáp biên giới Belarus để ngăn chặn dòng người di cư trong khi Nga điều máy bay ném bom giám sát tình hình.

Các bên cũng đã có một số nỗ lực ngoại giao thực tế để tiếp cận vấn đề. Nhưng đánh giá chung tới lúc này là vẫn chưa có một sự thỏa hiệp từ cả hai phía. EU chỉ trích Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới. Belarus bác bỏ cáo buộc này và cho rằng EU góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay khi từ chối các cuộc đàm phán để thảo luận các biện pháp củng cố biên giới. Rất nhiều khúc mắc và thiếu nhượng bộ vẫn được thể hiện khi vấn đề người di cư thì ngày một căng thẳng.

Cộng đồng quốc tế hiện đang kêu gọi các bên kiềm chế. Liên Hiệp Quốc tổ chức họp Hội đồng bảo an hôm 11-11 về cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế, tình hình này không nên bị lợi dụng cho mục đích chính trị hoặc là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các nước.

Khác với vấn đề di cư qua cửa ngõ Nam Âu, cuộc khủng hoảng tại biên giới Ba Lan - Belarus không chỉ là vấn đề nhân đạo đơn thuần, đi kèm đó là cả các vấn đề chính trị. Vì thế, cách tiếp cận của EU với cuộc khủng hoảng mới cũng có những điểm khác nhất định. EU có được sự thống nhất cơ bản hơn từ các nước thành viên trong giải quyết vấn đề lần này.

Về chính trị, EU cố gắng gây áp lực với cá nhân Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đồng thời gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Belarus. Từ góc độ nhân đạo, EU tiếp tục ưu tiên liên lạc, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Mới nhất ngày 15-11, EU mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, bao gồm các hãng hàng không và công ty du lịch được cho là đưa người di cư đến biên giới của khối này.

Dù vậy, khi cuộc khủng hoảng di cư cũ từ các nước Nam Âu vẫn còn phức tạp thì một cuộc khủng hoảng mới dự báo khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Các nước EU đều không muốn tiếp nhận thêm người di cư bởi từ lâu, vấn đề này là nhân tố gây chia rẽ, bất đồng trong khối.

Ngoài những vấn đề về chính sách, giải pháp của phía EU thì quan điểm cứng rắn của Belarus, đặc biệt là các đe dọa đáp trả lệnh trừng phạt, cắt đường ống dẫn khí tới châu Âu, có thể làm tình hình leo thang. Do đó, một giải pháp chính trị tổng thể cùng nhượng bộ từ cả hai phía được kỳ vọng có thể là chìa khóa giúp giảm nhiệt căng thẳng.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>