Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo tổng hợp về biến đổi khí hậu

21/03/2023 | 08:13 GMT+7

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) sẽ công bố báo cáo tổng hợp về biến đổi khí hậu.

Hình ảnh từ một video được quay vào ngày 17-3 cho thấy cá chết làm tắc nghẽn một con sông gần thị trấn Menindee ở New South Wales.

Trước đó, vào ngày 13-3, các nhà ngoại giao đến từ gần 200 quốc gia và các nhà khoa học khí hậu hàng đầu bắt đầu cuộc họp kéo dài một tuần ở Thụy Sĩ để chắt lọc tài liệu khoa học của gần một thập niên thành một báo cáo dài 20 trang nhằm cảnh báo nguy cơ hiện hữu của tình trạng ấm lên toàn cầu cũng như đề xuất những giải pháp đối với vấn đề này.

Báo cáo tổng hợp của IPCC sẽ trình bày chi tiết về các biến đổi được dự báo và quan sát trong hệ thống khí hậu Trái đất, các tác động trong quá khứ, tương lai như những đợt nắng nóng, lũ lụt và nước biển dâng, cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm khí thải carbon.

Một trong những nội dung chính mà báo cáo của IPCC có thể đặc biệt đề cập đến là mối đe dọa tiềm tàng của nền nhiệt tăng cao đe dọa tính mạng của con người. Báo cáo cũng sẽ phản ánh cuộc tranh luận về cách thức tốt nhất để khử carbon cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia cam kết sẽ cùng nhau nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất không quá 2°C và tham vọng hơn là chỉ tăng khoảng 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Kể từ cuối thế kỷ 19, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng hơn 1,1°C, đủ để khuếch đại mức độ thảm họa thời tiết ở mọi châu lục. Ngay cả với một kịch bản lạc quan, khi thế giới hạn chế mức tăng nhiệt độ là 1,8°C, theo một số nhà khoa học, đến năm 2100, một nửa nhân loại có thể có thể phải đối mặt với các giai đoạn điều kiện khí hậu đe dọa đến tính mạng do tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm cực cao.

Hiện tại, biến đổi khí hậu tiếp tục gây thiệt hại ở nhiều nước. Những ngày gần đây, chính quyền bang New South Wales, Australia báo cáo tình trạng hàng triệu xác cá chết dạt vào và nổi lềnh bềnh trên sông Darling.

“Việc cá chết hàng loạt có liên quan mức oxy thấp trong nước khi nước lũ rút đi. Việc này diễn ra trong bối cảnh nắng nóng tiếp tục gây thêm áp lực cho một hệ thống sinh thái đã trải qua các điều kiện khắc nghiệt do lũ lụt trên diện rộng”, theo DPI.

DPI cho biết thêm rằng thời tiết nóng hiện nay trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu oxy, vì nước ấm giữ ít oxy hơn nước lạnh, trong khi ở nhiệt độ cao, cá cần nhiều oxy hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Menindee chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt. Hàng nghìn xác cá chết đã được ghi nhận trong khu vực vào tháng 2. Một sự kiện tương tự cũng từng xảy ra tại đây vào năm 2019.

Các đợt nắng nóng trên khắp nước Australia đã trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Các chuyên gia và cơ quan chính phủ cảnh báo nước này sẽ tiếp tục chứng kiến lượng mưa và nhiệt độ cực cao tăng đột biến, cũng như nhiều đám cháy nguy hiểm hơn.

Còn tại Pháp, tình hình hạn hán kỷ lục đang đe dọa đến nông nghiệp và du lịch của nước này. Nằm dưới chân dãy núi Pyrenees, hồ Montbel nổi tiếng ở vùng Tây Nam nước Pháp với làn nước màu ngọc lam, kích thước khổng lồ và đời sống thủy sinh phát triển mạnh. Tuy nhiên, khi mùa xuân đến gần, khu vực này đã biến thành một vùng đất hoang bùn, các thuyền bị mắc cạn khi Pháp trải qua một mùa đông khô hạn nhất trong 64 năm qua.

Trong tháng 2, vùng Ariege, nơi có hồ Montbel, thiếu hụt tới 80% lượng mưa. Các dịch vụ du lịch, đặc biệt là chèo thuyền bị ảnh hưởng. Còn ở khu vực hạ lưu, nông dân đang lo lắng trước mùa xuân và mùa hè.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, các tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới với các mùa ấm hơn và khô hơn sẽ trở nên phổ biến hơn.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>