Khó tìm lời giải cho hòa bình ở Ethiopia

20/10/2022 | 09:15 GMT+7

Xung đột giữa các phe đối lập lại diễn ra ở Ethiopia đã làm cho tiến trình hòa bình vốn mong manh nay lại càng xa vời.

Người tị nạn Ethiopia sơ tán tránh xung đột. Ảnh: CRISISGROUP

Theo đó, giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân (TPLF) lại tiếp tục diễn ra ở Tigray, Ethiopia làm nhiều người thương vong mặc dù trước đó Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi ngừng bắn. Chính phủ Ethiopia cho biết, nước này đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát các sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở miền Bắc nhằm đối phó các cuộc tấn công của lực lượng ở khu vực Tigray.

Trong một diễn biến liên quan, hai nguồn tin ngoại giao và nhân đạo cho biết các lực lượng Chính phủ Ethiopia và đồng minh đã chiếm được Shire - một trong những thành phố lớn nhất ở khu vực phía Bắc của Tigray nằm trong tay phiến quân tại khu vực này. Shire cách thủ phủ Mekelle của vùng Tigray khoảng 140km về phía Tây Bắc và là nơi đón nhận hàng chục nghìn người di tản từ các khu vực khác do xung đột.

Trước những diễn biến trên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo tình hình tại Ethiopia đang trở nên “mất kiểm soát” trong bối cảnh cả chính phủ và phe đối lập không nhượng bộ mà vẫn muốn tiếp tục triển khai các hoạt động ở khu vực phía Bắc Tigray. Ông Guterres nhấn mạnh tới “cái giá khủng khiếp mà người dân Ethiopia phải trả” và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch ở Tigray. Đồng thời, ông Guterres cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang của Eritrea (quốc gia láng giềng hỗ trợ cho quân đội liên bang Ethiopia trong cuộc chiến ở Tigray) rút quân và yêu cầu tất cả các bên cho phép nối lại các hoạt động viện trợ nhân đạo mà LHQ đã tạm ngưng từ cuối tháng 8 do giao tranh bùng phát trở lại.

Hiện Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự về một thỏa thuận ngừng bắn, một tuần sau khi tuyên bố về các cuộc đàm phán hòa bình được dự kiến tổ chức ở Nam Phi bị hủy bỏ.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cũng cho biết, ông quan ngại sâu sắc trước những báo cáo về sự gia tăng giao tranh ở Tigray, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện”. Ông Moussa Faki Mahamat kêu gọi các bên tham chiến quay lại đối thoại theo thỏa thuận của họ để trực tiếp tham gia những cuộc đàm phán ở Nam Phi do Đặc phái viên AU phụ trách vùng Sừng châu Phi Olusegun Obasanjo và các hòa giải viên quốc tế dẫn đầu.

Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và chính quyền Tigray đã chấp nhận đề nghị đối thoại của AU, song những cuộc đàm phán được lên kế hoạch diễn ra hồi cuối tuần trước ở Nam Phi đã không trở thành hiện thực và thời điểm mới cũng chưa được công bố. Kể từ đó, giao tranh đã leo thang xung quanh Shire, thành phố có dân số khoảng 100.000 người ở Tây Bắc Tigray, và có những lo ngại nghiêm trọng đối với dân thường khi quân đội Ethiopia và Eritrea phối hợp tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào lực lượng phiến quân trong khu vực.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Tigray. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh dai dẳng từ cuối năm 2020 đến nay đã làm hàng nghìn người thiệt mạng, gây ra một thảm họa nhân đạo, khiến hơn 2 triệu người phải di tản và đẩy hàng trăm nghìn người Ethiopia rơi vào nguy cơ bị đói.

Giới quan sát cho rằng, mặc dù cả LHQ, AU, EU, Mỹ đều lên tiếng kêu gọi ngừng bắn nhưng giao tranh đẫm máu ở Ethiopia vẫn còn tiếp diễn vì các bên liên quan chưa có tiếng nói chung. Giải pháp hòa bình cho vùng đất này rất mong manh và vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>