Khó đàm phán hòa bình Nga – Ukraine

09/12/2022 | 09:19 GMT+7

Cả Nga và phương Tây đều nhận thức rằng chỉ có con đường đàm phán mới có hy vọng hòa bình cho Ukraine, tuy nhiên đi tìm giải pháp khả thi cho vấn đề này là cả quá trình gian nan.

Binh lính Ukraine huấn luyện ở Tây Ban Nha. Ảnh: RT

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc “gần như chắc chắn bằng biện pháp ngoại giao và đàm phán” và “hòa bình lâu dài và chính đáng” là rất cần thiết.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hồi tháng trước gợi ý rằng Ukraine nên đàm phán với Nga, bởi giải quyết xung đột bằng con đường quân sự là không thực sự khả thi.

Trong khi đó, nhóm G7 (7 cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia và Canada) cũng đồng quan điểm kêu gọi Nga và Ukraine sớm đàm phán để kết thúc giao tranh tiến đến hòa bình.

Trong một động thái liên quan, mới đây người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga nhất trí với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần phải chấm dứt bằng hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, ông Peskov cho rằng Nga hiện không thấy triển vọng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào. Đồng thời khẳng định, “các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga tại Ukraine) cần phải đạt được”.

Nhận định của ông Peskov hoàn toàn có cơ sở khi giao tranh ở Ukraine chẳng những không hạ nhiệt mà ngày càng diễn tiến khốc liệt hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã tập kích nhiều doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự, chỉ huy quân sự, hệ thống kiểm soát và các cơ sở khác của Ukraine trong thời gian qua. Ông Shoigu tuyên bố, trong tháng 11, Nga đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 binh sĩ, 5 máy bay quân sự, 10 trực thăng, 149 xe tăng và hơn 300 xe chiến đấu bọc thép của lực lượng Ukraine. Như vậy, sau hơn 10 tháng giao tranh, lực lượng vũ trang Ukraine đã chịu tổn thất khoảng 100.000 người, với 61.207 người thiệt mạng và 49.368 người khác bị thương, chưa tính cơ sở hạ tầng khác.

Hồi cuối tháng 9, phía Nga cũng thừa nhận, quân đội nước này đã mất gần 6.000 binh sĩ trong các cuộc giao tranh. Tuy nhiên, con số thiệt hại của Nga còn lớn hơn nhiều lần, đặc biệt là kinh tế khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga (Rosstat) công bố ngày 16-11 cho thấy GDP nước này trong quý III giảm 4%, sau khi ghi nhận mức giảm 4,1% trong quý II. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Alfa-Bank Nga, bà Natalia Orlova cho rằng ngay cả khi suy thoái không lớn như dự đoán ban đầu không có nghĩa chúng tôi có thể bước sang năm 2023 một cách yên bình. Chúng tôi không thể loại trừ khả năng kinh tế giảm sâu hơn vào năm tới so với 2022, có thể ở mức 5-6%”, bà Orlova cho biết thêm.

Thiệt hại nặng nề từ giao tranh giữa Nga và Ukraine đã rõ ràng nhưng đến nay cả hai phía vẫn chưa phát đi tín hiệu khả quan nào để dừng cuộc chiến.

Trong một động thái liên quan, mới đây Ukraine đã trả đũa Nga bằng việc sử dụng UAV tấn công sâu vào lãnh thổ nước này gây thiệt hại không nhỏ. Trước đó, Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất để phá hủy các kho đạn dược, trung tâm hậu cần và trung tâm chỉ huy của Nga. Kiev cũng được cho là đã triển khai các lực lượng đặc biệt, đánh bom xe và tấn công vào các mục tiêu ở Bán đảo Crimea, hoặc thậm chí trong lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, Nga lại gia tăng các đợt tấn công nhằm vào Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, quân đội Nga có thể phải chiến đấu ở Ukraine trong một thời gian dài nhưng ông thấy không cần phải huy động thêm binh sĩ vào thời điểm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ nhau liên tiếp diễn ra đã cản trở các cuộc đàm phán giữa hai bên. Điều này đã khiến giải pháp hòa bình cho Ukraine càng thêm mờ mịt.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>