Khả quan đàm phán mới về hạt nhân Iran

01/12/2021 | 09:55 GMT+7

Đàm phán hạt nhân giữa Nhóm P4+1 với Iran bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan bằng thiện chí cả hai phía. 

Vòng đàm phán hạt nhân Iran thứ 7 tại Vienna, Áo, ngày 29-11. Nguồn: ARAB OBSERVER

Đại sứ của Nga tại Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho hay, những cuộc gặp đầu tiên trong vòng đàm phán mới nhằm mục đích nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã kết thúc và khởi đầu “một cách thành công mỹ mãn”.

Ông Ulyanov cho biết: “Cuộc họp của Ủy ban chung về JCPOA kết thúc. Các bên tham gia đã nhất trí về những bước đi ngay lập tức tiếp theo trong vòng đàm phán thứ 7, vốn khởi đầu một cách thành công mỹ mãn”.

Đồng quan điểm với đại diện của Nga, ông Ali Bagheri Kani, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran, cũng bày tỏ lạc quan về những cuộc gặp đầu tiên diễn ra trong ngày 29-11. Theo quan chức này, các bên tham dự vòng đàm phán mới nhất trí rằng chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Tehran.

Trước đó, vòng đàm phán mới của Ủy ban chung gồm Iran và Nhóm P4+1 (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức) theo đúng kế hoạch diễn ra tại cung điện Palais Coburg ở thủ đô Vienna, Áo. Mục đích của vòng đàm phán này là tìm cách hồi sinh JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri dẫn đầu một phái đoàn đến Vienna để tham gia vòng đàm phán vốn bị đình chỉ từ tháng 6.

Trước khi diễn ra vòng đàm phán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết Iran sẽ không tiến hành thảo luận song phương với phái đoàn Mỹ trong khuôn khổ vòng đàm phán. Mỹ sẽ tham gia đàm phán một cách gián tiếp. Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian nhấn mạnh, lợi ích quốc gia của Iran phải được đảm bảo trong các cuộc đàm phán tại Vienna với các bên còn lại ký kết JCPOA. Ông Abdollahian bày tỏ hy vọng tất cả các bên tham gia đàm phán có thể thực hiện các bước đi cơ bản và thành công trong cuộc đàm phán tại Vienna.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran khẳng định, nước này có thái độ nghiêm túc trong các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhắc lại quan điểm rõ ràng của Tehran là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ và “các quyền và lợi ích của người dân nước Cộng hòa Hồi giáo Iran phải được đảm bảo trên bàn đàm phán”. Quan điểm của Iran là không có cách nào có thể cứu vãn được JCPOA nếu như Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trước đó, ông Enrique Mora, Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách điều phối các cuộc thảo luận khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran cho biết, ông đã gặp các quan chức đàm phán của Trung Quốc, Nga và Iran.

Về phía Mỹ, cùng ngày, Nhà Trắng khẳng định, mục tiêu đối với Iran là đưa quốc gia Trung Đông này quay trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA.

JCPOA được ký kết gữa Iran với Nhóm P5+1 từ năm 2015, với các thỏa thuận cơ bản là Iran không theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân, đổi lại Mỹ và cá bên liên quan sẽ hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran và hỗ trợ quốc gia Hồi giáo này phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vào năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận với cáo buộc Iran không tuân thủ JCPOA, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Tehran. Ngược lại, Iran cũng đáp trả bằng cách không tuân thủ các điều khoản đã ký kết và từng bước làm giàu urani với ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các quốc gia còn lại trong Nhóm P5+1 đã và đang nỗ lực muốn phục hồi JCPOA nhưng vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng.  Do vậy vòng đàm phán thứ 7 này mở ra nhiều triển vọng làm sống lại JCPOA.

Trong một diễn biến liên quan, Tư lệnh Sư đoàn Marom của Israel, Đại tá Aviran Lerer cho biết, quân đội nước này đang tiếp tục huấn luyện và không ngừng nâng cao năng lực tấn công quân sự vào Iran nếu như các cuộc đàm phán thất bại. Mặc dù Israel chưa từng tham chiến với Iran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah ở Syria, nhưng quân đội Israel luôn theo dõi chặt chẽ hai thế lực lớn này.

Động thái mang tính hù dọa trên của Israel được ví như vật cản đường dẫn đến thành công của đàm phán JCPOA. Điều này sẽ trở thành con dao hai lưỡi nếu các bên liên quan thiếu kiềm chế và tiếp tục cứng rắn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>