JCPOA có cơ hội khôi phục

27/01/2022 | 08:28 GMT+7

Vẫn thái độ kiên quyết, Iran tuyên bố nếu Mỹ bãi bỏ lệnh trừng phạt thì thỏa thuận hạt nhân sẽ được nối lại, tuy nhiên Tehran lại tỏ ra cầu thị hơn so với trước đây.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Nguồn: AFP

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống nước này Ebrahim Raisi nêu rõ nếu Mỹ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, thỏa thuận hạt nhân rất có khả năng sẽ được khôi phục. Ông Raisi cho rằng việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là hoàn toàn khả thi nếu phía Mỹ có thiện chí dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đã làm tê liệt nền kinh tế Cộng hòa Hồi giáo này.

Kể từ tháng 4-2021, Iran và Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp tại thủ đô Vienna của Áo về khôi phục JCPOA được ký giữa Iran và các cường quốc thế giới năm 2015.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi, với cáo buộc Iran không tuân thủ JCPOA, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Ngược lại, Tehran cũng đáp trả bằng việc không tuân thủ một số điều khoản trong thỏa thuận, trong đó có việc làm giàu urani vượt mức cho phép với ý định sẽ phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong khi Mỹ và Iran “ăn miếng trả miếng” thì Nhóm P4+1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) đã và đang nỗ lực để phục hồi JCPOA nhưng kết quả chưa như mong muốn. Đại diện của Iran và Nhóm P4+1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức - các thành viên còn lại tham gia ký thỏa thuận JCPOA) đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 8 tại Vienna vào ngày 27-12-2021, trong đó tập trung vào nội dung dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt Tehran sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp. Vòng đàm phán này được nối lại vào ngày 3-1 sau dịp nghỉ năm mới và có bổ sung một số yêu cầu của Iran vào tiến trình làm việc.

Theo báo Tehran Times, gần đây các quan chức Iran không phản đối các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên Tehran nêu rõ rằng đối thoại trực tiếp phải tuân theo một số điều kiện tiên quyết. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho biết Mỹ đã gửi một số thông điệp tới Iran đề nghị đàm phán trực tiếp với Tehran. Ông Abdollahian lưu ý việc đàm phán trực tiếp với Washington có thể diễn ra, với điều kiện các cuộc đàm phán được tiến hành theo hình thức đối thoại.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24-1 tái khẳng định Washington đang chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân của nước này sau khi Tehran thông báo họ sẽ cân nhắc một lựa chọn như vậy.

Từ những động thái thiện chí trên, việc khôi phục CPOA đang có những tín hiệu khả quan mở ra triển vọng đạt được thỏa thuận trong năm 2022 này. Những tín hiệu tích cực này được cộng đồng quốc tế đồng thuận và hoan nghênh.

Trong một động thái liên quan, Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa thông báo Iran, Guinea và Vanuatu đã được khôi phục quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng sau khi 3 quốc gia này thanh toán các khoản nợ phí thành viên cho LHQ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết có tổng cộng 11 quốc gia, trong đó có Iran chậm thanh toán phí thành viên. Điều 19 của Hiến chương LHQ quy định quốc gia thành viên nợ phí với số tiền bằng hoặc vượt quá mức đóng góp trong 2 năm trước đó có thể bị mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng. Điều này đồng nghĩa quyền và nghĩa vụ của Iran đã được khôi phục. Từ đó góp phần nâng cao uy tín của quốc gia Trung Đông này. Đây cũng là điều kiện tốt để JCPOA phục hồi trong tương lai gần.

Tổng thống Raisi cũng khẳng định thiện chí hợp tác của Iran: “Lập trường của Iran đó là hợp tác với toàn bộ thế giới. Tôi đã thông báo điều này trong chiến dịch tranh cử và đó là những gì chúng tôi đang theo đuổi. Hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, tất nhiên chỉ với các quốc gia muốn hợp tác với Iran. Chúng tôi sẽ đối phó với các nước muốn đối đầu với Iran”.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>