Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới: Tín hiệu khôi phục nền kinh tế

02/06/2023 | 07:28 GMT+7

Việc Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới đã giúp tăng thêm nguồn cung dầu mỏ, hứa hẹn khôi phục kinh tế cho quốc gia Hồi giáo này.

Nguồn: REUTERS

Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais cho hay, khối này sẽ hoan nghênh Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ hoàn toàn, khi các lệnh trừng phạt áp lên nước này được dỡ bỏ. Ông Ghais cho biết thêm, Iran có khả năng gia tăng sản xuất dầu mỏ đáng kể chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đồng thời  bày tỏ tin tưởng Iran là một thành viên có trách nhiệm trong OPEC. Ông Ghais chắc chắn rằng, các bên sẽ hợp tác tốt, đồng bộ để đảm bảo rằng thị trường sẽ vẫn cân bằng như cách OPEC đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Trước đó, hồi tháng 3, Saudi Arabia và Iran đã tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm căng thẳng, trong một thỏa thuận do Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ thứ hai thế giới, làm trung gian. Điều này đồng nghĩa với việc Iran có đủ cơ sở pháp lý để mở rộng thị trường xuất khẩu dầu mỏ ra thế giới, tăng thêm nguồn cung dầu mỏ ra thế giới.

Còn nhớ, trong một động thái bất ngờ vào đầu tháng 4-2023, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ (nhóm bao gồm OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối) đã tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Quyết định đó đã nâng tổng khối lượng cắt giảm sản lượng của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toán của hãng tin Reuters. Điều này đã làm cho giá dầu mỏ thế giới đột ngột tăng cao khiến nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào cảnh khó khăn.

Liên quan đến quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC và tác động của nó đối với giá dầu, Tổng thư ký Ghais cho hay, OPEC không nhắm mục tiêu vào một mức giá cụ thể. Mọi hành động, mọi quyết định của khối này đều được đưa ra để hướng tới sự cân bằng giữa nhu cầu và nguồn cung dầu toàn cầu.

Iran có trữ lượng dầu dưới lòng đất khoảng 132,5 tỉ thùng (khoảng 11% trữ lượng thế giới), là nhà sản xuất dầu mỏ thứ hai thế giới sau Saudi Arabia và có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ hai thế giới, khoảng 15%, sau Nga. Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo này đã bị Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này.

Theo đó, năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký hồi năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều nước ngừng mua dầu mỏ của nước này.

Gần đây nhất, ngày 9-3 vừa qua, Mỹ cũng áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với khoảng 39 thực thể mà Washington cho là tạo điều kiện cho Iran tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Brian O’Toole nhận định, động thái này của Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu khí của Iran.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và LHQ, Iran vẫn xuất khẩu dầu mỏ bằng nhiều cách khác nhau. Đáng chú ý là năm 2022,  xuất khẩu dầu của nước này tăng 83 triệu thùng so với năm trước và tăng 190 triệu thùng so với mức từ tháng 3-2021.

Hãng tin Tasnim của Iran dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Javad Owji thông báo xuất khẩu dầu mỏ của nước này đã đạt mức cao nhất trong 4 năm qua, kể từ năm 2018, khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Hồi giữa tháng 5-2023, Iran và Nga đã ký 10 văn bản hợp tác trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở thủ đô Tehran. Hãng tin Shana trực thuộc Bộ Dầu mỏ Iran cho biết các văn kiện vừa được ký kết bao gồm 6 biên bản ghi nhớ (MoU), 2 hợp đồng, một thỏa thuận và lộ trình liên quan đến hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp, chuyển giao công nghệ và tăng cường thu hồi dầu.

Việc Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ sau các lệnh trừng phạt đã mở ra triển vọng để quốc gia Hồi giáo này sớm khôi phục kinh tế xứng tầm với vị trí các quốc gia hàng đầu về dầu mỏ trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>