Iran muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán hạt nhân

02/08/2022 | 18:45 GMT+7

Iran vừa thông báo, nước này muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán hạt nhân, với mong muốn khôi phục JCPOA.

Iran sẵn sàng quay lại đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Elbalad

Mới đây, Iran cho biết đã phản hồi trước đề xuất của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân JCPOA và muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Ali Bagheri Kani cho biết: “Chúng tôi đã chia sẻ quan điểm của mình, cả về hình thức và nội dung, nhằm mở đường cho việc nhanh chóng kết thúc đàm phán tại Vienna”. Tuy nhiên, ông Kani không đưa ra thông tin chi tiết về quan điểm của Iran. Nhà ngoại giao Iran cho biết thêm, Tehran sẵn sàng sớm hoàn tất đàm phán và phía bên kia cũng nên sẵn sàng làm như vậy.

Trước đó, ông Borrell đã đưa ra một bản dự thảo mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi năm 2015. Theo đó,  Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Kể từ đó đến nay, Iran cũng từng bước không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận và làm giàu urani vượt mức quy định, với mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước.

Trong khi đó, những quốc gia liên quan hay còn gọi là Nhóm P4+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) không ngừng nỗ lực đàm phán với Iran để cứu vãn thỏa thuận JCPOA. Từ tháng 4-2021, Iran và các bên còn lại đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna, Áo nhằm khôi phục thỏa thuận này. Tuy nhiên, đàm phán đình trệ từ tháng 3 vừa qua. Đến tháng 6, Mỹ và Iran có các cuộc đàm phán gián tiếp tại Doha, Qatar qua sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU), nhưng các cuộc đàm phán này không mang lại kết quả cụ thể. Iran cho rằng, Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nước này nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế của Tehran theo thỏa thuận tiềm năng nhằm cứu vãn JCPOA. Còn phía Mỹ đổ lỗi cho Iran là đưa ra các yêu cầu mới ngoài các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong khi Tehran nói rằng họ không đệ trình bất kỳ văn bản nào mâu thuẫn với thỏa thuận hạt nhân đã ký.

Trước đó, Cố vấn phái đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Mohammad Marandu cho biết, việc đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ không phải là điều kiện tiên quyết của Tehran trong đàm phán nhằm khôi phục JCPOA. Theo ông Marandi, “phương Tây lan truyền thông tin theo hướng này để mọi người không nhận thấy rằng họ đang né tránh những điều kiện bảo đảm cần thiết”. Theo đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, hỗ trợ Iran phát triển kinh tế theo JCPOA mới thật sự là điều kiện tiên quyết để khôi phục thỏa thuận.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đã bày tỏ sự thất vọng” khi các bên không đạt tiến triển sau khi các vòng đàm phán ở Vienna bị đình trệ, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận và thực thi các cam kết hạt nhân của mình. Ông Macron cũng khẳng định với người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi rằng việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 “vẫn có khả năng” nhưng cần diễn ra “sớm nhất có thể”. 

Về phần mình, thông báo của Phủ Tổng thống Iran cho biết, ông Raisi đã “chỉ trích lập trường và hành động không mang tính xây dựng của Mỹ và các nước châu Âu” trong cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ với nhà lãnh đạo Pháp.

Hồi tuần trước, một quan chức Iran tuyên bố Tehran đã có năng lực kỹ thuật để chế tạo bom hạt nhân nhưng xác định rõ rằng họ không đưa ra quyết định như vậy. Điều này cũng được nhiều cơ quan chuyên môn phương Tây khẳng định. Tín hiệu này sẽ là động lực để các quốc gia liên quan xúc tiến đàm phán khôi phục JCPOA. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, đàm phán muốn thành công đòi hỏi thiện chí của các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Iran.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>