Hơn 40 quốc gia sẵn sàng gia nhập BRICS

25/07/2023 | 08:32 GMT+7

Đây là thông tin do ông Anil Sooklal, Đại sứ Nam Phi chịu trách nhiệm về quan hệ với liên minh kinh tế BRICS và các nước châu Á, đưa ra.

BRICS hiện gồm các quốc gia thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ảnh: Daily Trust

Ông Sooklal mô tả, BRICS là một tổ chức “tổng hợp” luôn sẵn sàng đối thoại với cộng đồng toàn cầu rộng lớn hơn. Khối này hiện có các quốc gia thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 25% GDP của thế giới.

Theo ông Sooklal, BRICS không phân biệt giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, sẵn sàng thảo luận với bất kỳ quốc gia nào “có cùng tầm nhìn về một trật tự toàn cầu bao trùm và công bằng hơn, nơi chúng tôi không loại bỏ phần lớn thế giới ra ngoài lề”, bao gồm cả nhiều nước đang phát triển.

Nhà ngoại giao Nam Phi tiếp tục chỉ ra rằng trong khi Liên Hiệp Quốc vẫn chưa bắt tay vào cải cách toàn diện để mang lại cho các quốc gia mới nổi tiếng nói lớn hơn, BRICS đã vạch ra con đường riêng của mình để khắc phục tình hình.

Nam Phi sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên BRICS năm nay, diễn ra tại Johannesburg từ ngày 22 đến 24-8, trong đó Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa đã gửi lời mời tới gần 70 nhà lãnh đạo trên thế giới.

BRICS được gọi là “nhóm các nền kinh tế mới nổi”, song 5 quốc gia (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). chiếm tới 30% diện tích đất đai, 41% dân số thế giới và 16% thương mại quốc tế, đến đầu năm 2023 này đã đóng góp 31,5% GDP toàn cầu (theo báo cáo được công bố trên Countercurrents.org, trích dẫn dữ liệu từ Acorn Macro Consulting). Con số này đã vượt qua mức 30,7% của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7, bao gồm: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italia, Đức và Nhật Bản).

Cuối tháng 4-2023, hãng tin tài chính hàng đầu thế giới là Bloomberg dự đoán dựa trên dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Các nước BRICS sẽ đóng góp 32,1% vào tăng trưởng của thế giới. Không những vậy, họ còn chỉ ra: Vào năm 2020, đóng góp của các nước BRICS và G7 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ngang nhau. Kể từ đó, thành tích của khối do phương Tây lãnh đạo ngày càng giảm sút. Đến năm 2028, dự báo đóng góp của G7 vào nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 27,8%, trong khi BRICS sẽ chiếm 35%.

Theo tính toán của Bloomberg, Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng gấp đôi Mỹ: “Tỷ lệ đóng góp GDP toàn cầu của Trung Quốc dự kiến chiếm 22,6% tổng tăng trưởng thế giới vào năm 2028. Ấn Độ được dự đoán sẽ đóng góp 12,9% GDP toàn cầu. Tổng cộng, 75% tăng trưởng toàn cầu dự kiến tập trung ở 20 quốc gia và hơn một nửa nằm tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia. Trong nhóm G7, Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp cũng được dự báo nằm trong số 10 quốc gia đóng góp nhiều nhất”.

Như vậy, trên thực tế, BRICS đã thật sự trở thành đối trọng của G7, trên phương diện kinh tế - thương mại thuần túy. Do đó, điều mà càng ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến khả năng gia nhập BRICS cũng là hoàn toàn dễ hiểu. Không ai không muốn cải thiện tốc độ phát triển của chính mình, mà trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đa phương hóa của thế giới phẳng hiện đại này, ai cũng cần (ít nhất là) một cộng đồng để cùng hướng đến lợi ích chung.

Algeria, Argentina, Bahrain, Bangladesh, Indonesia, Iran, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Sudan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Venezuela - những quốc gia đã được kể tên là “có hứng thú” gia nhập BRICS, có thể nói, đã và đang cân nhắc một lựa chọn sáng suốt. Trong đó, sự góp mặt của những cường quốc dầu mỏ - mà điển hình là Saudi Arabia - có thể khuynh đảo cả nền kinh tế thế giới, như thực tiễn 12 tháng qua đã chứng minh, qua các động thái cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác (OPEC+).

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>