Hồi chuông báo động về hiện tượng ấm lên toàn cầu

24/05/2023 | 06:52 GMT+7

Nhiệt độ toàn cầu cứ tăng dần theo thời gian đã khiến nhiều quốc gia lâm vào cảnh khốn khó.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thế giới hiện đứng trước nguy cơ nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hàng năm sẽ cao hơn 1,5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Dự đoán, nhiệt độ này giai đoạn 2023-2027 sẽ cao hơn từ 1,1oC đến 1,8oC so với mức trung bình của những năm 1850-1900 thời kỳ trước khi có sự gia tăng mạnh mẽ ô nhiễm làm nóng hành tinh do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nguyên nhân chính khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vọt trong những năm gần đây là do có quá nhiều quốc gia tiếp tục đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh như than đá, dầu mỏ và khí đốt.

Hệ lụy của hành động này đã làm cho biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn. Các hiện tượng nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt hơn, thiên tai diễn ra với cường độ dày hơn và sự suy tàn của các hệ sinh thái quan trọng diễn ra nhanh hơn.

Theo Thỏa thuận khí hậu Paris, các quốc gia đã cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2oC mà tốt nhất là 1,5oC so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học coi mức nóng lên 1,5oC là mốc quan trọng, vượt qua mức đó thì nguy cơ xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng và thiếu lương thực trên toàn cầu có thể tăng lên đáng kể.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết thêm: “Hiện tượng El Nino gây tăng nhiệt độ dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và hiện tượng này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng tới sức khỏe con người, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”.

Còn nhớ, sau sự kiện El Nino rất mạnh, năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất cho đến thời điểm này. El Nino có xu hướng làm tăng nhiệt độ vào năm sau khi nó xuất hiện. Nếu theo quy luật này thì có thể năm 2024 trở thành năm nóng nhất được ghi nhận vì năm 2023 cũng xuất hiện hiện tượng El Nino.

Thực tế, mặc dù Trái đất đã trải qua 3 năm được hiện tượng La Nina làm mát và có đôi lúc chứng kiến sự nóng lên khoảng 1,2oC, nhưng do con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và gây ô nhiễm làm nóng hành tinh nên nhiệt độ sau đó vẫn tăng vọt lên mức nguy hiểm. Chính điều này đã dãn đến nguy cơ nhiệt độ nóng lên tạm thời vượt quá mốc 1,5oC đã tăng dần đều kể từ năm 2015 đến nay. 

Leon Hermanson, nhà khoa học của Met Office, nhận xét: “Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, khiến chúng ta ngày càng rời xa khí hậu mà chúng ta quen thuộc”. Điều này đồng nghĩa sản xuất, sinh hoạt kể cả sức khỏe của con người sẽ đứng trước tình trạng báo động.

Lãnh đạo các quốc gia dự kiến sẽ nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 28 của Liên Hiệp Quốc ở Dubai vào cuối năm nay. Ở đó, họ sẽ thực hiện “kiểm kê toàn cầu” nhằm đánh giá về tiến độ công việc đang làm với các mục tiêu đã thỏa thuận trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Chắc chắn, sẽ còn chặng đường rất dài để đạt được các mục tiêu nhằm giữ mức nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5oC, bằng cách cắt giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh hơn 40% vào năm 2030.

Theo ghi nhận, trong lịch sử Trái đất đã có 5 vụ tuyệt chủng được xác nhận. Cuộc Đại Tuyệt chủng kỷ Permi được cho là tệ hại nhất và đánh dấu ranh giới giữa kỷ Permi và kỷ Tam Điệp (Trias). Nguyên nhân được giới khoa học xác định là hiện tượng ấm lên toàn cầu vào giai đoạn đó. Các nhà khoa học tin rằng, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã gây ra các vụ phun trào núi lửa trong khoảng thời gian từ 256 triệu năm trước đến 252 triệu năm trước.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>