Hệ lụy khó lường từ lũ lụt ở nhiều quốc gia

07/12/2023 | 11:01 GMT+7

Lũ lụt đã và đang xảy ra ở nhiều nơi khiến một số quốc gia lâm vào cảnh khó khăn.

Ảnh: DAILY NEWS

Theo đó,  hôm 2-11, mưa lớn đã xảy ra trong và khu vực lân cận thị trấn Katesh, cách thủ đô Dodoma của Tanzania khoảng 300km về phía Bắc đã gây ra vụ lở đất xảy ra gần sườn núi Hanang. Đến nay, ít nhất 63 người đã thiệt mạng do lũ lụt và mưa xối xả gây ra lở đất. Lũ lụt cũng khiến 116 người khác bị thương. Giới chức địa phương cảnh báo con số thương vong có thể còn tăng lên. Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan cho biết, bà đã ra lệnh triển khai “nhiều nỗ lực của chính phủ để giải cứu, hỗ trợ người dân”.

Khu vực Đông Phi, nơi gần đây đã phải hứng chịu đợt hạn hán chưa từng có, nay lại trải qua nhiều tuần mưa xối xả và lũ lụt liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Lượng mưa lớn đã gây chết người và làm hư hại tài sản trên khắp Tanzania vào tháng 11, trong khi mùa màng của nông dân cũng bị thiệt hại.

El Nino là kiểu thời tiết xuất hiện tự nhiên bắt nguồn từ Thái Bình Dương, khiến nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu. Nó có thể gây hạn hán ở một số khu vực và mưa lớn ở những nơi khác. Các nhà khoa học dự đoán những tác động tồi tệ nhất của chu kỳ El Nino hiện tại sẽ được cảm nhận vào cuối năm 2023 và sang năm 2024.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan này đang diễn ra lâu hơn, dữ dội hơn và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Cơ quan Khí tượng Tanzania cảnh báo, mưa lớn có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 12 này.

Còn nhớ, hồi cuối tháng trước, lũ lụt do mưa lớn đã khiến nhiều người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di dời chỗ ở thuộc Somalia và Ethiopia. Văn phòng Truyền thông Nhà nước Khu vực Somalia cho biết: “Hơn 20 người đã tử vong trong lũ lụt và hơn 12.000 gia đình phải di dời”. Tuy nhiên, lũ lụt do mưa lớn đã ảnh hưởng đến ít nhất 405.652 người, kể từ khi bắt đầu mùa gió mùa ở Vùng Somalia, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết, do El Nino, dòng khí phản lực Thái Bình Dương di chuyển xa hơn về phía Nam và phía Đông, thường làm nhiệt độ tăng lên ở một số khu vực và gây mưa lớn ở những khu vực khác, bao gồm cả Đông Phi.

Những đợt thời tiết khắc nghiệt gần đây cũng đã ảnh hưởng đến gần hai triệu người và cuốn trôi hàng ngàn vật nuôi ở Burundi, Djibouti, Kenya, Ethiopia, Somalia, Tanzania, Nam Sudan và Uganda.

Hội Chữ thập đỏ Kenya cho biết: “Biến đổi khí hậu đang khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Cần phải đầu tư cấp thiết vào các biện pháp thích ứng với khí hậu để bảo vệ cộng đồng khỏi tác động tàn khốc của lũ lụt và các điều kiện thời tiết bất lợi khác”.

Đó là chuyện ở châu Phi, còn tại Đông Nam Á, hồi giữa tháng 10 năm nay, lũ lụt do mưa gió mùa lớn gây ra ở các khu vực miền Nam Myanmar đã khiến hơn 14.000 người phải di dời, trên 200 trường học bị đóng cửa.

Hầu như, năm nào Myanmar cũng phải trải qua thời tiết khắc nghiệt trong mùa gió mùa. Đáng nhớ nhất là vào năm 2008, cơn bão Nargis đã khiến hơn 138.000 người thiệt mạng.

Giới khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn nên hạn hán, lũ lụt, sạt lở… sẽ càng xảy ra thường xuyên, với tác hại khó lường và không một quốc gia nào ngoại lệ. Do vậy, giải pháp bảo vệ môi trường đang cần có tiếng nói chung của nhiều quốc gia trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>