Giải pháp chấm dứt xung đột ở Sudan ?

28/07/2023 | 08:35 GMT+7

Hơn 100 ngày diễn ra xung đột với nhiều thương vong, tình hình an ninh trật tự ở Sudan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một giải pháp khả thi để chấm dứt xung đột đang được tìm kiếm.

Khói đen bốc lên ở thủ đô Khartoum của Sudan. Ảnh: ANADOLU

Liên minh Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) của Sudan đã tiến hành một cuộc họp tại thủ đô Cairo, Ai Cập, trong đó tập trung thảo luận các biện pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 100 ngày tại quốc gia Bắc Phi này.

FFC cho biết, đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi giao tranh bùng phát tại Sudan vào tháng 4 vừa qua nhằm nỗ lực giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Trong tuyên bố, FFC hối thúc việc chấm dứt xung đột trước khi vượt tầm kiểm soát và trở thành một cuộc nội chiến, đồng thời kêu gọi nỗ lực khôi phục quy tắc dân chủ dân sự trong quá trình chuyển tiếp. Theo FFC, cuộc họp hướng tới một giải pháp chính trị toàn diện đối với tất cả các bên, ngoại trừ những người liên kết với đảng Quốc Đại đã bị giải thể vào năm 2019. FFC đã kêu gọi các bên tham chiến đạt được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia láng giềng của Sudan diễn ra ở Cairo ngày 13-7, các nước tham dự đã nhất trí thiết lập một cơ chế cấp ngoại trưởng để giải quyết cuộc xung đột vốn đang có tác động tiêu cực đối với khu vực. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng thì xung đột ở Sudan vẫn chưa hạ nhiệt.

Tháng 4 vừa qua, xung đột đã nổ ra giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này. Bộ Y tế Sudan cho biết, đến nay xung đột đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương. Xung đột cũng đã làm trên 3 triệu người phải đi lánh nạn, trong đó có trên 750.000 người chạy sang các nước láng giềng tị nạn. Ngoài ra còn có ít nhất 18 nhân viên hỗ trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Đáng quan ngại trong cuộc xung đột này, trẻ em là người thiệt thòi nhiều nhất. Báo cáo của Cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) về trẻ em cho biết, đến nay có tổng cộng 2.500 báo cáo về các hành động xâm phạm trắng trợn đến trẻ em trong cuộc xung đột tại Sudan (trung bình cứ 1 giờ lại có 1 hành động xâm phạm trẻ em được báo cáo). Các hành động xâm phạm bao gồm giết hại, làm bị thương, bắt cóc..., đã cướp đi mạng sống của 435 trẻ em, khiến 2.025 trẻ em khác bị thương ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, số trẻ em bị xâm hại trong cuộc xung đột có thể cao hơn gấp nhiều lần số liệu báo cáo.

Chiến sự còn phá hủy hàng nghìn công trình nhà ở, đường sá, trường học, bệnh viện..., gây ra tình trạng mất điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Trước sức ép của quốc tế và dưới sự trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, Quân đội Sudan và RSF đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình tại Jeddah (Saudi Arabia) và đạt được một số lệnh ngừng bắn ngắn hạn. Tuy nhiên, tất cả các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ và cả hai bên đổ lỗi cho đối phương đã vi phạm lệnh ngừng bắn trước. Cả hai bên đã gửi các phái đoàn để nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán ở Jeddah. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sudan cho biết, các cuộc đàm phán gián tiếp đã không được thực hiện nghiêm túc.

Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), các quốc gia láng giềng cùng nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế..., liên tiếp hối thúc các bên liên quan và có ảnh hưởng trong cuộc xung đột lập tức thực hiện ngừng bắn, mở đường cho đối thoại chính trị để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, tránh một kịch bản tồi tệ hoàn toàn có nguy cơ xảy ra là xung đột leo thang thành nội chiến đẫm máu với những hậu quả khôn lường đối với toàn khu vực.

Mới đây, tuyên bố sau cuộc họp kết thúc, FFC đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Bắc Phi này. Nhiều người kỳ vọng FFC sẽ sớm tìm ra giải pháp khả thi để kết thúc giao tranh tại Sudan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>