EU không dỡ bỏ trừng phạt Iran: JCPOA khó phục hồi

20/10/2023 | 08:59 GMT+7

EU không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran liên quan vũ khí hạt nhân, đã làm cho JCPOA khó có cơ hội phục hồi.

Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía Nam. Ảnh minh họa: AFP

Mới đây, trong tuyên bố đăng trên trang web chính thức, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố không dỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan vũ khí hạt nhân với Iran.  Quyết định được đưa ra nhằm duy trì các biện pháp hạn chế chống lại Tehran theo cơ chế trừng phạt không phổ biến vũ khí hạt nhân sau ngày 18-10, thời điểm hết hiệu lực các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm hạn chế Iran mua tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái theo quy định của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Thỏa thuận hạt nhân đặt ra những giới hạn cứng rắn đối với chương trình năng lượng hạt nhân của Tehran, bao gồm cả những hạn chế về số lượng urani đã làm giàu mà nước này có thể lưu trữ vào bất kỳ thời điểm nào.

Ngày 17-9, nhóm E3 (gồm Pháp, Anh và Đức) thông báo không dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhất định đối với Iran do nước này bị cáo buộc “không tuân thủ” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ký với Nhóm P5+1.

Trong khi đó, các bên ký kết khác cũng đồng ý với nhiều cam kết khác nhau, chủ yếu là giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Iran và hỗ trợ để Tehran phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, các quan chức Iran khẳng định, họ không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đó do Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump áp dụng lại tất cả các lệnh trừng phạt trước đây đối với Tehran và mở rộng trừng phạt, vi phạm cam kết cốt lõi của Mỹ với thỏa thuận hạt nhân ký với Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cũng lên tiếng chỉ trích quyết định mới đây của (EC), đồng thời cho rằng, lệnh trừng phạt được dỡ bỏ từ ngày 18-10 theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đại diện Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, động thái này vi phạm các cam kết của EU, nhóm E3 và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (năm 2018), Iran đã dần dần tăng cường chương trình hạt nhân, làm giàu urani vượt mức trần mà thỏa thuận đặt ra.

Từ năm 2021, mặc dù giới chức Iran đã tổ chức nhiều vòng đàm phán với các đối tác Mỹ và châu Âu, nhưng tất cả các cuộc thảo luận đều không đạt được kết quả khả quan nào vì những bất đồng từ hai phía. Theo đó, Tehran tiếp tục khẳng định chương trình hạt nhân của họ không có khía cạnh quân sự và đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ chỉ tiếp tục tuân thủ JCPOA khi các bên ký kết khác dỡ bỏ lệnh trừng phạt đã hứa. Iran tuyên bố, sẵn sàng đàm phán gián tiếp với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân, bên lề Kỳ họp thứ 78 Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Mỹ. Tehran cũng theo đuổi nỗ lực đàm phán ngoại giao nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran.

Trước đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã lên tiếng chỉ trích Iran đã ngăn cản nhiều thanh sát viên được cử tới nước Cộng hòa Hồi giáo này làm việc, gây trở ngại cho IAEA trong quá trình giám sát hoạt động hạt nhân của Tehran.

Iran ngay lập tức đáp trả cứng rắn bằng việc tuyên bố tăng độ tinh khiết làm giàu urani lên 60%, tuy thấp hơn mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, song lại cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% mà Iran cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Việc “ăn miếng trả miếng” giữa Nhóm P5+1 (đứng đầu là Mỹ) và Iran đã khiến cho JCPOA vốn đã rạn nứt nay lại thêm EU tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt với Tehran càng làm cho thỏa thuận hạt nhân này khó có cơ hội phục hồi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>