Được cứu trợ nhân đạo nhưng Afghanistan vẫn gặp khó

14/10/2021 | 07:25 GMT+7

Mất lòng tin với người dân và cộng đồng quốc tế vì chính sách hà khắc cộng với IS trỗi dậy đã làm cho Afghanistan rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Các thành viên của tổ chức khủng bố IS tại Afghanistan. Ảnh: BBC

Theo một thỏa thuận với Mỹ năm 2020, Taliban cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành “thiên đường trú ẩn” của các nhóm khủng bố muốn tấn công Mỹ và đồng minh. Việc kiềm chế các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là một trong những nỗ lực hiện thực hóa cam kết đó.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, IS liên tiếp gia tăng các cuộc tấn công khủng bố tại Afghanistan. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom liều chết tại tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan hôm 8-10 khiến 46 tín đồ bên trong nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite thiệt mạng.

Trước đó, IS đã đánh bom đẫm máu ở thủ đô Kabul, trong đó có một vụ đánh bom bên ngoài sân bay quốc tế vào thời điểm Mỹ rút quân, khiến 169 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Nhà nghiên cứu Andrew Mines thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho rằng: “Trong lịch sử, phần lớn các cuộc tấn công của IS đều nhằm vào lực lượng chính phủ. Giờ đây, khi Mỹ và các lực lượng quốc tế không còn sự hiện diện tại Afghanistan, mục tiêu của họ sẽ là chính quyền Taliban”.

Thực tế, cả Taliban và IS đều ủng hộ sự cai trị xã hội bằng luật Hồi giáo, nhưng sự khác biệt chính về hệ tư tưởng khiến hai bên trở thành kẻ thù của nhau. Taliban cho rằng họ muốn tạo ra một nhà nước Hồi giáo nằm gọn trong biên giới Afghnistan. Trái lại, IS muốn thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” rộng lớn mà cả thế giới Hồi giáo phải quy phục. Từ đó, dẫn đến những vụ tấn công khủng bố đẫm máu gần đây. Hệ quả của những vụ khủng bố này đã làm cho người dân Afghanistan đã khó nay càng khó hơn.

Mặt khác, sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15-8, Taliban đã tái thực hiện nhiều chính sách hà khắc, nhất là đối với phụ nữ như: Phụ nữ phải che kín mặt, không được trang điểm, trẻ em gái không được đến trường (giờ đổi lại học sinh nữ phải học trường riêng), phụ nữ không được đi giày cao gót, không được phép quay phim hay trưng bày những hình ảnh của phụ nữ ở nơi công cộng hay ở nhà. Nếu quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, thì những kẻ vi phạm sẽ bị ném đá… Chính những chính sách hà khắc này mà Taliban mất lòng tin cả trong nước và quốc tế. Đáng quan ngại là kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Taliban đã không có động thái khôi phục đất nước mà còn đẩy Afghanistan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng cần phải cứu trợ nhân đạo.

Trong một động thái liên quan, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường của G20 về Afghanistan mới đây đã nhất trí cần giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, đảm bảo quyền của phụ nữ ở đây.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định: “Nếu không có lương thực, không có việc làm, các quyền con người cơ bản không được đảm bảo, chúng ta sẽ thấy thêm người Afghanistan rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo một gói viện trợ trị giá 1 tỉ euro (1,2 tỉ USD) “nhằm tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế - xã hội và nhân đạo” tại Afghanistan.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi hỗ trợ quốc tế khẩn cấp cho Afghanistan để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo và giúp tái thiết đất nước này. Đồng thời đã cam kết cung cấp 1 tỉ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afganistan trong 20 năm tới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ cung cấp tổng cộng 200 triệu USD trong năm nay, trong đó có 65 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế.

Mặc dù đồng thuận hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan nhưng Thủ tướng Italia Mario Draghi cho rằng, G20 sẽ không thừa nhận Taliban và chính phủ lâm thời ở nước này. Đây là tác nhân chính khiến chính quyền Taliban khó tồn tại lâu dài nếu không thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>