Dư luận lên án vụ đảo chính ở Sudan

27/10/2021 | 08:42 GMT+7

Hàng chục nghìn người đổ xuống đường biểu tình, cộng đồng quốc tế phản ứng quyết liệt là hệ lụy bước đầu của vụ đảo chính ở Sudan.

Người dân biểu tình tại Khartoum. Ảnh: Reuters

Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, tuyên bố giải tán Hội đồng tối cao Dân sự và Chính phủ chuyển tiếp của nước này để lập một chính phủ “có thẩm quyền”, đồng thời cam kết lập ra các thể chế nhà nước như tòa án tối cao.

Ngoài ra, ông cũng cho biết Sudan vẫn kiên định với các thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết, đồng thời nhắc lại cam kết của mình về “sự chuyển đổi sang một chính phủ dân sự”.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quân đội đã bắt giữ hầu hết các thành viên Nội các Sudan trong cuộc đảo chính diễn ra trước đó. Binh sĩ cũng dùng đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ chuyển tiếp, khi họ tới gần Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum, khiến ít nhất 12 người bị thương.

Theo Bộ Thông tin Sudan, quân đội nước này hiện đang giam giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok tại một địa điểm chưa được xác định, sau khi ông từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính.

Hành động đảo chính của quân đội Sudan đã làm người dân trong nước phản đối dẫn đến biểu tình với quy mô lớn, đồng thời khiến cộng đồng quốc tế lên án.

Ngoại trưởng Sudan Mariam Sadig al-Mahdi khẳng định người dân nước này phản đối cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra và sẽ đấu tranh đến cùng. Trong khi đó, ông Mohammed Hassan Eltaishi, thành viên Hội đồng tối cao dân sự Sudan cũng phát biểu trên trang Facebook cá nhân rằng cuộc đảo chính quân sự này là “sự ngu ngốc chính trị”, đồng thời tuyên bố ông sẽ chống lại cuộc đảo chính này.

Trước những diễn biến căng thẳng tại Sudan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi lập tức trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và tất cả các quan chức khác bị quân đội bắt giữ. Ông Guterres lên án cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra tại Sudan đồng thời yêu cầu các bên tôn trọng hiến pháp, bảo vệ quá trình chuyển tiếp chính trị vốn rất khó khăn mới đạt được tại nước này. Ông Guterres khẳng định LHQ luôn sát cánh cùng người dân Sudan.

Cùng thời gian này, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat kêu gọi lập tức nối lại đối thoại giữa lực lượng dân sự và quân sự tại Sudan. Ông Faki cũng bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” trước tình hình hiện nay ở Sudan. Đồng thời khẳng định “đối thoại và đồng thuận” là con đường duy nhất để giải cứu Sudan trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ đang gặp khó khăn.

Cùng quan điểm trên, bà Nabila Massrali, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết: “Liên minh châu Âu (EU) rất lo ngại về việc các lực lượng quân sự Sudan bắt giữ Thủ tướng Hamdok cũng như các thành viên khác trong chính phủ nước này. Chúng tôi kêu gọi nhanh chóng trả tự do cho họ”.

Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Sudan, phản đối việc quân đội nước này chiếm quyền kiểm soát chính phủ và kêu gọi trao trả tự do cho các quan chức bị bắt giữ bao gồm Thủ tướng Abdalla Hamdok. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã đình chỉ 700 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho Sudan sau vụ đảo chính. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, các khoản hỗ trợ khác của Mỹ cho Sudan cũng có thể bị ảnh hưởng tùy theo các diễn biến ở nước này

Việc quân đội đảo chính nắm chính quyền chẳng những phá vỡ Hội đồng chủ quyền gồm đại diện của lực lượng quân sự và dân sự được thành lập để điều hành chính phủ lâm thời Sudan được quốc tế nỗ nỗ lực thành lập từ tháng 8-2021 mà còn gây ra bất đồng mới giữa chính quyền quân đội với người dân và cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Điều này dấy lên quan ngại về cuộc nội chiến không mong đợi tại quốc gia này lại bùng phát trong tương lai gần. 

 HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>