Đông Nam Á tìm cách sống chung với dịch Covid-19

17/09/2021 | 08:17 GMT+7

Dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á tìm cách sống chung an toàn với dịch.

Khách du lịch tại đảo Koh Samui của Thái Lan. Ảnh: AFP

Theo nhà kinh tế học Wellian Wiranto của Oversea-Chinese Banking Corp, nền kinh tế của các nước Đông Nam Á đang suy yếu do những đợt phong tỏa liên tiếp, còn người dân dần cảm thấy kiệt sức khi cuộc khủng hoảng kéo dài. Theo đó, nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang dần nhận ra rằng họ không còn đủ khả năng kéo dài những biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt khiến nền kinh tế bị tê liệt. Bởi vậy, một số nước đang xem xét phương án mở cửa trở lại.

Hiện nay, một số quốc gia tại Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore đã bắt đầu thay đổi nhận thức, cho rằng dịch bệnh sẽ không biến mất hoàn toàn và chuyển từ chiến lược “không ca mắc” sang chiến lược “sống chung với vi-rút”.

Thay vì đếm số cas mắc theo ngày, các nước tập trung hạn chế số ca tử vong hoặc ca bệnh nặng. Điều này đặc biệt đúng với hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Đông Nam Á là Singapore và Malaysia với số người được tiêm phòng đầy đủ lần lượt chiếm trên 80% và khoảng 50% dân số.

Tại Thái Lan hiện mỗi ngày ghi nhận hơn 13.000 ca mắc Covid-19 cùng  hơn 100 trường hợp tử vong nhưng quốc gia Đông Nam Á này cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn hai mở cửa lại đất nước và mở cửa trường học trong thời gian tới. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn đã xác nhận rằng thủ đô Bangkok cùng các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch từ ngày 1-10. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Thái Lan nên việc mở cửa trở lại sẽ góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong khi đó, Indonesia vừa công bố chiến lược gồm 3 trọng tâm, điều chỉnh cách thức ứng phó với đại dịch theo sát tình hình thực tế. Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, trọng tâm thứ nhất là “nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi”. Thứ hai là triển khai xét nghiệm, truy vết và điều trị (Testing, Tracing, Treatment - 3T), bao gồm xử lý tối ưu các địa điểm cách ly tập trung. Thứ ba là tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc sức khỏe, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách) và thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng PeduliLindungi. Nếu tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp, ba trọng tâm chiến lược nói trên sẽ được bổ sung các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng như đang áp dụng hiện nay. Mục tiêu của những giải pháp trên là nhằm khôi phục kinh tế Indonesia hướng đến sống chung an toàn với dịch.

Tại Malaysia, Thủ tướng nước này Ismail Sabri Yaakob mới đây cho biết, chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng số ca lây nhiễm của dịch Covid-19, đồng thời cho biết thêm rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác. Do vậy, Chính phủ Malaysia đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, bao gồm 11 loại hoạt động kinh doanh ở các bang thuộc giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng.

Giải pháp được các quốc gia Đông Nam Á đưa ra trong giai đoạn mở cửa từng phần tiến dần đến mở cửa toàn bộ này là tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 kết hợp các biện bảo vệ cá nhân cần thiết như: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, sàng lọc... Mục tiêu cuối cùng là sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở nhiều quốc gia Đông Nam Á còn rất thấp so với Mỹ và châu Âu nên rất dễ bị tổn thương khi đứng trước biến thể mới như Delta, Mu, lambda. Đây là vấn đề cần được nghiêm túc đặt ra khi tính đến mở cửa.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>