Đâu là giải pháp hòa bình cho Myanmar ?

04/08/2022 | 09:12 GMT+7

Bạo lực kéo dài đã khiến Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tìm giải pháp hòa bình cho quốc gia Đông Nam Á này đang được ASEAN quan tâm.

Binh sĩ gác tại một điểm kiểm soát ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: AFP

Mới đây, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Quyết định trên được đưa ra nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Trước đó, quyền Tổng thống Myanmar U Myint Swe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian một năm kể từ ngày 1-2-2021 và bàn giao quyền lực cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing.

Theo Hiến pháp năm 2008 của Myanmar, tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố tối đa không quá 2 năm, lần tuyên bố đầu tiên kéo dài một năm và thêm 2 lần gia hạn, mỗi lần 6 tháng. Do vậy lệnh gia hạn tình trạng khẩn cấp lần này được xem là đợt cuối theo hiến pháp nước này.

Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng kể từ tháng 2-2021 khi quân đội nước này tiến hành đảo chính, tổ chức các cuộc đột kích bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một số nhà lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Đồng thời tuyên bố tiếp quản chính quyền. Trong thời gian này, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing nắm quyền lãnh đạo Chính phủ chuyển tiếp (Hội đồng hành chính Nhà nước) và chỉ định Phó Tổng thống dân sự Myint Swe (nguyên Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar) làm Tổng thống tạm thời.

Động thái này được cho là trả đũa của quân đội khi cáo buộc NLD gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 giúp đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Kể từ đó quốc gia Đông Nam Á này luôn trong tình trạng báo động về an ninh trật tự và buộc Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar đã quyết định tình trạng khẩn cấp thời gian dài.

Hệ lụy của tình trạng bất ổn chính trị này đã dẫn đến việc hàng trăm nghìn người dân Myanmar (thuộc nhiều thành phần: học sinh, sinh viên, tăng lữ, công nhân đường sắt, dân tộc thiểu số...) xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn và nhiều địa phương để phản đối đảo chính, bất chấp cảnh báo từ giới quân sự. Chính quyền quân sự đã bắt giữ hàng nghìn người biểu tình và có khoảng trên 500 người thiệt mạng (tính đến hết tháng 3-2021), đã kích động tâm lý phản kháng, làm gia tăng căng thẳng và bạo lực trên diện rộng, mà nguy cơ các bên liên quan không mong muốn là nội chiến, với những biểu hiện ngày càng rõ nét.

Trước thực trạng trên, nhiều quốc gia trên thế giới và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lên tiếng và tìm giải pháp hỗ trợ Myanmar lập lại hòa bình trên tinh thần tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền của nước này. Theo đó, chính quyền Myanmar cam kết sẽ thực hiện những nội dung có tính khả thi nhất trong “Đồng thuận 5 điểm” do ASEAN đưa ra tháng 4- 2021 nhằm tìm giải pháp chấm dứt bạo lực, hướng tới hòa bình, hòa giải dân tộc ở Myanmar.

Cụ thể, 5 điểm đồng thuận của ASEAN gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar. Trước mắt, Myanmar sẽ tập trung thực thi 3 điểm cần chú ý: thứ nhất, chấm dứt hoặc giảm bạo lực; thứ hai hỗ trợ nhân đạo cho những người gặp khó khăn, không phân biệt đối xử và thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại toàn diện và sự tin cậy chính trị giữa tất cả các bên liên quan.

Người đứng đầu Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing hôm 1-8 tuyên bố, sẽ thực hiện một số điểm trong “Đồng thuận 5 điểm” của ASEAN trong năm nay. Theo ông Min Aung Hlaing, trong bối cảnh hiện nay khi tình hình đang dần có những tiến triển tích cực, chính quyền Myanmar sẽ thực hiện những nội dung có tính khả thi nhất.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, với tư cách là Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN, đã tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khủng hoảng tại Myanmar; đồng thời  ASEAN có thể đóng vai trò là cầu nối trung lập giữa các bên xung đột.

Giới quan sát cho rằng, những động thái tích cực gần đây là tín hiệu tốt giúp Myanmar ổn định chính trị, lập lại hòa bình.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>