Dân số thế giới đạt mốc 8 tỉ: Niềm vui và nỗi lo

17/11/2022 | 06:11 GMT+7

Dân số thế giới đạt 8 tỉ người vừa là niềm vui vừa là nỗi lo vì nhiều lý do.

Dân số thế giới đã đạt mốc 8 tỉ người. Nguồn: DEPOSIT

Công dân đánh dấu cột mốc dân số thế giới 8 tỉ là một bé gái được đặt tên là Vinice Mabansag, đã chào đời lúc 1giờ 29 phút ngày 15-11 (theo giờ địa phương) tại Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở thủ đô Manila, Philippines. Cột mốc dân số này đã vượt 15 năm so với dự kiến.

Giám đốc hành chính của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines (POPCOM), thuộc Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), bà Lyneth Therese Monsalve hy vọng bé Venice “sẽ là biểu tượng của sự phát triển trong tương lai”.

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ước tính dân số thế giới có thể đạt 9 tỉ người vào năm 2037. Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự báo, Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đông dân nhất thế giới hiện tại - sẽ hoán đổi vị trí vào năm 2030. Theo đó, dân số Trung Quốc từ 1,4 tỉ người giảm xuống còn 1,3 tỉ người vào năm 2050. Đến cuối thế kỷ 21, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người. Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,7 tỉ người vào năm 2050. Sau hai nước trên, Mỹ tiếp tục là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới vào năm 2050 và sẽ ngang bằng Nigeria với 375 triệu người.

Hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania.

Một trong những tín hiệu đáng mừng khi dân số thế đạt mốc 8 tỉ chính là  tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng. Theo LHQ, tuổi thọ tiếp tục tăng lên 72,8 tuổi vào năm 2019, cao hơn 9 năm so với năm 1990. Đến năm 2050, tuổi thọ trung bình vào khoảng 77,2 năm. Kết quả này có nghĩa là tỷ lệ những người hơn 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống, cũng như các chính sách chăm sóc y tế đã có sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, theo LHQ tốc độ tăng dân số đã giảm mạnh kể từ hơn nửa thế kỷ qua, nếu như giai đoạn đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tốc độ tăng dân số là hơn 2% mỗi năm, thì dự kiến đến năm 2050, tốc độ tăng dân số sẽ chỉ còn 0,5%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tỷ suất sinh ở phụ nữ của nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng giảm. Theo đó, năm 2021, tỷ suất sinh ở mức 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 5 con/phụ nữ vào năm 1950. Con số này sẽ giảm xuống 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050.

Mặt khác, với dân số 8 tỉ người, những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách: Xu hướng dân số già hóa sẽ tác động đến thị trường lao động và hệ thống hưu trí quốc gia khi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng cao, các vấn đề có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột và Covid-19... Các vấn đề này đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương. Trong đó, đáng quan ngại là chênh lệch giàu nghèo quá lớn dẫn đến hệ lụy nghèo đói, bệnh tật, thất học… ở nhiều quốc gia kém phát triển.

Cho đến nay, hàng triệu người trên thế giới vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng. Phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình, và chúng ta đang chứng kiến một sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ ở nhiều quốc gia.

Do vậy, theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam: “Thế giới của chúng ta không chỉ đông đảo về số lượng mà còn như một gia đình. Chúng ta cần xây dựng một thế giới kiên cường đề cao quyền và lựa chọn của mỗi cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn, xây dựng hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>