Châu Á vật lộn với đợt bùng phát mới Covid-19

12/01/2022 | 07:37 GMT+7

Mặc dù xuất hiện sau châu Phi, châu Âu nhưng biến thể Omicron đã làm châu Á phải chật vật đối phó.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, ngày 9-1-2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Những ngày gần đây, nhiều “kỷ lục buồn” về sự lây lan quá nhanh của biến thể Omicron đã làm nhiều quốc gia châu Á phải “gồng mình” đối phó. Các quốc gia liên tiếp được xác lập ở Australia, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác ở châu Á.

Mới đây, Nhật Bản ghi nhận hơn 8.480 ca mắc mới trong ngày khi tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động. Riêng thủ đô Tokyo báo cáo 1.224 ca mắc mới - lần đầu tiên vượt 1.000 ca kể từ tháng 9 và gấp 15,5 lần so với mức 79 ca được ghi nhận cách đây một tuần.

Giáo sư Hideaki Oka thuộc Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Saitama (Nhật Bản) cho biết những người nhiễm Omicron dù nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể vô tình lây lan vi-rút cho cộng đồng xung quanh mà không hề hay biết. Ông kêu gọi chính phủ khẩn trương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chính phủ Nhật đã tạm ngưng cho phép hầu hết người nước ngoài nhập cảnh vào cuối tháng 11 năm ngoái, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại Omicron là “biến thể đáng lo ngại”.

Còn Australia lần đầu tiên ghi nhận dấu mốc buồn, với 116.025 ca mắc mới trong ngày, vượt qua con số hơn 78.000 ca một ngày trước đó, trong bối cảnh các bang đang nỗ lực áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn cảnh bệnh viện quá tải.

Philippines cũng ghi nhận 26.458 ca mắc mới trong ngày, chỉ hai tuần sau khi báo cáo chưa đến 200 ca/ngày. Các biện pháp hạn chế đã được áp đặt ở thủ đô Manila, cũng như hàng chục tỉnh/thành khác để đối phó với làn sóng gia tăng số ca mắc mới Covid-19. Bộ Y tế Philippines cho biết, tỷ lệ dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm ở nước này cũng đã tăng lên mức kỷ lục là 44%. Nhiều cơ quan nhà nước và văn phòng tư nhân phải tạm ngưng hoạt động vì có nhiều nhân viên nhiễm vi-rút. Cho đến nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng gần 3 triệu ca mắc, trong đó 52.150 bệnh nhân tử vong. Đến nay, 48% dân số nước này đã tiêm đủ liều vắc-xin cơ bản và 2,6% được tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, Ấn Độ thông báo có thêm 180.438 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm mới. Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy tại quốc gia Nam Á với 27 bang trên toàn quốc đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể này. Để ngăn chặn dịch, giới chức nhiều bang như Delhi, Uttar Pradesh, Punjab, Tamil Nadu, West Bengal và Karnataka đã siết chặt các biện pháp phòng chống như giới nghiêm ban đêm hoặc hạn chế số lượng người tập trung tại các sự kiện, đóng cửa các trung tâm thương mại và địa điểm vui chơi giải trí.

Ngoài ra, những quốc gia châu Á khác cũng bắt đầu xuất hiện biến thể Omicron và đang có xu hướng lây lan nhanh.

Theo giới khoa học, khó có thể ngăn chặn Covid-19 do biến thể Omicron gây ra, tuy nhiên, các giải pháp giãn cách xã hội như không tụ tập đông người, mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, sát khuẩn… có thể sẽ làm chậm quá trình lây lan hiện nay. Đây cũng là giải pháp được nhiều quốc gia châu Á quan tâm vận dụng hiện nay.

Ông Osterholm, thành viên trong Hội đồng Cố vấn ứng phó với Covid-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, việc loại bỏ Omicron là điều không khả thi, tuy nhiên, chúng ta chắc chắn có thể làm chậm sự lây lan của nó. Chuyên gia Osterholm tin rằng, việc tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng cũng như tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin sẽ tác động đến khả năng lây lan cũng như số ca bệnh cần nhập viện.

Còn Bill Hanage, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard nhận định: “Có lẽ một số biện pháp can thiệp vẫn hiệu quả, giống như hạn chế tập trung đông người, đóng cửa nhà hàng vào giai đoạn bệnh viện đang đứng trước sức ép lớn nhất”.

Trong điều kiện chưa có thuốc điều trị biến thể Omicron, những giải pháp giãn cách vẫn là ưu tiên chống dịch Covid-19 hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>