Cảnh báo từ “cổng địa ngục” ở vùng Viễn Đông

24/07/2023 | 09:04 GMT+7

Nga đang nóng lên nhanh hơn ít nhất 2,5 lần so với phần còn lại của thế giới, làm tan chảy tầng đất đóng băng vĩnh cửu vốn chiếm khoảng 65% diện tích lãnh thổ nước này.

Miệng núi lửa Batagaika. Ảnh: SCIENCE

Các nhà khoa học cho biết Nga đang ấm lên nhanh hơn phần còn lại của thế giới ít nhất 2,5 lần, làm tan dần các vùng lãnh nguyên băng giá lâu năm vốn bao phủ khoảng 65% diện tích nước này.

Được mệnh danh là “cổng địa ngục”, hố Batagaika kéo dài 1 km, tạo thành hố băng vĩnh cửu lớn nhất thế giới cũng đang tan chảy. Những cảnh quay do máy bay không người lái ghi lại cho thấy, trên miệng núi lửa Batagaika ở vùng Viễn Đông của Nga có một vết nứt rộng trải dài hàng km, hình thành nên hỗ băng vĩnh cửu lớn nhất thế giới.

Trong video, hai nhà thám hiểm di chuyển qua địa hình không bằng phẳng tại đáy của vết lõm trên miệng núi lửa ở Siberia, nơi người dân địa phương thường gọi là “Cổng vào địa ngục”.

Vết lõm thể hiện rõ với những phần bề mặt không đều và các ụ nhỏ, vốn đã hình thành sau khi cây cối tại đây được dọn sạch vào thập niên 1960 và lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất bắt đầu tan chảy, khiến mặt đất bị lún xuống.

Nhà thám hiểm Erel Struchkov, người đồng thời là một cư dân tại đây này, cho biết: “Điều này bắt đầu vào thập niên 1970. Đầu tiên là một khe núi. Sau đó tan băng dưới sức nóng của những ngày nắng và diện tích băng tan ngày càng mở rộng ra”.

Các nhà khoa học không chắc chắn về tốc độ chính xác mà miệng núi lửa Batagaika đang mở rộng. Tuy nhiên, họ cho rằng đất bên dưới vết sụt sâu khoảng 100 mét ở một số khu vực, chứa một số lượng lớn carbon hữu cơ và sẽ giải phóng lượng carbon này vào khí quyển khi lớp băng vĩnh cửu tan ra, qua đó tiếp tục thúc đẩy sự nóng lên của hành tinh.

Hiện tượng băng tan trên miệng núi lửa Batagaika tuy có thể thu hút khách du lịch, nhưng việc tình trạng này ngày càng mở rộng lại được xem là “một dấu hiệu nguy hiểm.”

Bà Nikita Tananayev, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Băng vĩnh cửu Melnikov ở Yakuts, nói: “Trong tương lai, với nhiệt độ ngày càng tăng và cao hơn áp lực do con người tạo ra, chúng ta sẽ thấy ngày càng có nhiều sự sụt giảm lớn hình thành, cho đến khi tất cả băng vĩnh cửu biến mất”

Hiện tượng tan băng vĩnh cửu đã đe dọa các thành phố và thị trấn tại miền Bắc và Đông Bắc nước Nga. Những con đường không còn bằng phẳng, nhiều cụm cư dân bị chia cắt, trong khi các đường ống dẫn bị phá vỡ.

Các vụ cháy rừng trên quy mô lớn ngày càng dữ dội hơn trong thời gian gần đây và đã khiến vấn đề này trở nên trầm trọng thêm.

Trong khi đó, miền Nam và Đông Âu tiếp tục hứng chịu một đợt nắng nóng mới. Nhiệt độ ở nhiều khu vực của Ý, bao gồm các đảo Sardinia và Sicily, có thể lên tới 48 độ C; còn nhiệt độ cao nhất tại Hy Lạp dự báo là 44 độ C và Tây Ban Nha là 45 độ C…

Thủ phạm đứng sau đợt nắng nóng mới là xoáy nghịch Charon, đang tràn vào châu Âu từ Bắc Phi. Đây là cơn “bão nhiệt” thứ hai tấn công châu Âu trong vòng một tuần qua, sau khi xoáy nghịch Cerberus hoành hành vào tuần trước.

Xoáy nghịch Charon có thể kết thúc vào cuối tháng 7 song châu Âu chưa “thoát nạn”. Hãng tin AP dẫn thông tin từ Đài quan sát Hạn hán châu Âu (EDO) cho biết 42% diện tích đất của Liên minh châu Âu (EU) đang chống chọi với hạn nặng.

Các vùng quanh biển Baltic, Đức, Ireland, Anh và Scandinavia đang thiếu mưa trầm trọng, đe dọa vụ hè.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>