Căng thẳng Nga - phương Tây tiếp tục leo thang

20/01/2022 | 06:56 GMT+7

Cả Mỹ lẫn NATO đều tuyên bố sẽ kiên quyết đáp trả nếu Nga tấn công Ukraine. Điều này đã làm leo thang căng thẳng giữa các bên liên quan.

Nga và NATO đã tổ chức một số cuộc họp nhằm xoa dịu căng thẳng. Ảnh: REUTERS

Mới đây, một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng cảnh báo rằng nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ sẽ có động thái mạnh mẽ để làm tổn hại vị thế chiến lược của Matxcơva và áp dụng các biện pháp nhằm vào nền kinh tế của họ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đang phối hợp với các đồng minh và đối tác lên kế hoạch đối phó với một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga nhằm vào Ukraine.

Ông Sullivan cáo buộc Matxcơva đã bố trí hơn 100.000 binh lính ở biên giới với Kiev để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Giới tình báo Mỹ cho biết có thông tin rằng Nga đã bố trí một nhóm đặc nhiệm nhằm tiến hành chiến dịch “gắn cờ giả” ở miền Đông Ukraine.

Ông Sullivan cho biết thêm: “Chúng tôi và đồng minh đã sẵn sàng cho kịch bản Nga muốn đi theo con đường ngoại giao. Tuy nhiên, nếu Nga muốn thực hiện cuộc tấn công và leo thang căng thẳng, chúng tôi cũng sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ để phá hủy vị thế chiến lược của họ”.

Trước đó, các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã đề xuất dự luật “Đạo luật Bảo vệ chủ quyền của Ukraine” nhằm cảnh báo những hệ quả nghiêm trọng nếu Nga xâm lược Ukraine, bao gồm lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng như đối với lĩnh vực ngân hàng của Nga.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện đang thăm Ukraine để tìm giải pháp đối phó Nga. Theo đó, Ngoại trưởng Blinken đã hội kiến Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và gặp Ngoại trưởng Dmytro Kuleba để củng cố cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ngoại trưởng Blinken cũng gặp cán bộ nhân viên và gia đình của Đại sứ quán Mỹ để thông báo về những nỗ lực của Bộ Ngoại giao nhằm lập kế hoạch cho các trường hợp bất thường, nếu Nga chọn leo thang hơn nữa.

Sau đó, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Berlin, Đức để thảo luận về các cam kết ngoại giao gần đây với Nga và các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn sự gây hấn hơn nữa của Nga đối với Ukraine, bao gồm việc các đồng minh và đối tác sẵn sàng trừng phạt Nga. Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Tiếp đó, Ngoại trưởng Blinken sẽ tham dự cuộc họp Nhóm Bộ tứ xuyên Đại Tây Dương (Mỹ, Pháp, Đức và Anh).

Trước đó, giới phân tích dồn sự chú ý vào cuộc gặp giữa Mỹ - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Tuy nhiên kết quả cuối cùng không như mong đợi khi các bên ra về mà không đạt bất cứ thỏa thuận nào. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận: “Có nhiều khác biệt lớn giữa các đồng minh NATO và Nga về những vấn đề này. Bất đồng của chúng tôi không dễ dàng gì thu hẹp được”.

Về phía Nga, Matxcơva bác bỏ cáo buộc từ Kiev và phương Tây cho rằng nước này đang lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Ngược lại, Kremlin tố NATO phá hoại an ninh khu vực và đưa ra một loạt đề nghị cho Washington, mà hầu hết bị phương Tây lên án là “không thể bắt đầu”.

Về cơ bản, Nga muốn NATO cùng các đồng minh không cho Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ gia nhập EU, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự này giảm bớt quy mô hoạt động ở Đông Âu. Điều này hoàn toàn đi ngược lại cam kết của NATO với Ukraine nên vấp phải sự phản đối quyết liệt của các bên liên quan.

Giải pháp ngoại giao giữa Nga và phương Tây thời gian qua đã được xúc tiến và đẩy lên mức tích cực. Tuy vậy, hai bên vẫn chưa thể tìm ra được một lối thoát cho những xung đột lợi ích cốt lõi, khiến nguy cơ một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được sự hậu thuẫn của Mỹ và NATO đang gần hơn bao giờ hết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>