Cần giải pháp đồng bộ dập dịch Covid-19

05/08/2021 | 08:36 GMT+7

Việc mở cửa sớm của các nước châu Âu và một số quốc gia đã có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao đã dẫn đến nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới. 

Mỹ đạt được cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Nguồn: REUTERS

Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6 giờ sáng ngày 4-8, đã có 220 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục hứng chịu đại dịch Covid-19, tổng số khoảng 200,2 triệu người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và hơn 4,25 triệu cas tử vong. Mỹ lại dẫn đầu thế giới về số cas nhiễm mới, ghi nhận thêm 90.000 người vào danh sách tổng hơn 36 triệu cas dương tính. Trong đó có thêm 468 cas tử vong, nâng số người chết vì dịch bệnh này tại Mỹ lên hơn 630.447 người. Hiện Mỹ có 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19.

Nhiều quốc gia châu Âu dù đã tuyên bố có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên 50% dân số và thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội nhưng lại tiếp tục bùng phát dịch bệnh. Hiện châu lục này đã ghi nhận hơn 60 triệu người mắc và 1,2 triệu người tử vong vì Covid-19.

Ngay cả Trung Quốc, nơi phát sinh dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới nhiều tháng qua tuyên bố đã khống chế được dịch bệnh thì những ngày gần đây dịch đã bùng phát ở hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là thử thách lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt kể từ khi kiềm chế thành công Covid-19.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng dịch Covid-19 lây lan ra diện rộng ở nhiều quốc gia nhưng có 2 nguyên nhân chính dẫn đế hệ lụy trên là do biến thể Delta với mức độ lây lan khó lường và chủ quan của người dân nhiều quốc gia khi dựa vào vắc-xin.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho giới chuyên môn lo ngại đó là sự thận trọng với vắc-xin đã bén rễ vào tư tưởng của một bộ phận người dân trên khắp thế giới. Nó xuất phát từ thái độ hoài nghi trước tiến bộ của khoa học hay chính sách của giới cầm quyền. Theo một số chuyên gia, trong không khí căng thẳng hiện nay, tiêm chủng bắt buộc có thể phản tác dụng.

Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, bà Dorit Nitzan nhấn mạnh: “Hồi kết của đại dịch vẫn còn ở phía trước. Điều quan trọng là các quốc gia phải tiếp tục nỗ lực phối hợp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và những người có nguy cơ bị ảnh hưởng trong đại dịch”.

WHO cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khi sớm thực hiện cho phép tháo dỡ các lệnh giãn cách quá sớm. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép người dân trở lại cuộc sống, đi lại, sinh hoạt bình thường như trước khi có dịch. Đây là nguy cơ để các biến thể mới Delta hay Delta Plus lây lan nhanh. Đáng quan ngại là nhiều người dân chủ quan lơ là phòng tránh dịch theo khuyến cáo của WHO nên tự do đi lại, tham quan, du lịch… dẫn đến dịch Covid-19 tiếp tục lây lan.

Trước nguy cơ đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và lây lan ra diện rộng nhiều quốc gia đã có những giải pháp kiên quyết hơn. Trong đó, áp đặt lại một số biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường tiêm vắc-xin được xem là trọng tâm.

Tại Mỹ, Tổng thống Biden nhận định, biến thể Delta “đang lây lan như cháy rừng ở những người chưa được tiêm vắc-xin và thật đau lòng bởi điều này có thể ngăn chặn được”. Tổng thống cũng chỉ trích chính sách ở một số bang khi cấm quy định đeo khẩu trang bắt buộc, chỉ đích danh Thống đốc đảng Cộng hòa bang Texas Greg Abbott và Thống đốc đảng Cộng hòa bang Florida Ron DeSantis, 2 bang hiện chiếm 1/3 số cas mắc mới trên toàn nước Mỹ.

Ở châu Âu, một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, đề xuất quy định yêu cầu người dân cung cấp bằng chứng về miễn dịch hoặc kháng thể để tham gia các hoạt động xã hội.

Pháp, Hy Lạp và Italia đang yêu cầu người dân cung cấp hộ chiếu vắc-xin mỗi khi tới nhà hàng, phòng tập, rạp chiếu phim hay những nơi đông người.

Từ tháng 9 tới, Anh cũng yêu cầu người dân cung cấp chứng minh tình trạng sức khỏe và xác nhận tiêm chủng để có thể tham gia vào hộp đêm hay những địa điểm công cộng khác. Các quan chức nước này bày tỏ rằng họ muốn vận động người dân tự giác tiêm vắc-xin Covid-19, thay vì phải xử phạt trường hợp vi phạm.

Giới chuyên môn cho rằng, số người tiêm vắc-xin Covid-19 càng lớn, khả năng dịch bệnh lây lan, gây thêm những cas mắc mới trở nặng hay dẫn đến sự xuất hiện của biến chủng mới sẽ càng thấp. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi tính đồng bộ của các quốc gia và công bằng trong phân phối vắc-xin giữa các nước nghèo và giàu. Có như vậy mới mong dập dịch một cách triệt để.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>