Cải cách tư pháp khiến Israel khủng hoảng chính trị

27/07/2023 | 07:47 GMT+7

Mặc dù đã thông qua được điều khoản quan trọng trong Dự luật Cải cách Tư pháp nhưng mâu thuẫn giữa các phe đối lập ở Israel vẫn âm ỉ và có nguy cơ biểu tình lại bùng phát.

Biểu tình tại Israel ngày 23-7. Ảnh: Reuters

Với 64 phiếu ủng hộ, Quốc hội gồm 120 thành viên của Israel chiều 24-7 đã thông qua điều khoản quan trọng nhất trong Dự luật Cải cách Tư pháp gây tranh cãi do Chính phủ đệ trình.

Theo đó, điều khoản chính trong dự luật liên quan đến việc hạn chế quyền lực của Tòa án tối cao trong việc vô hiệu hóa một số quyết định của chính phủ, bị toàn bộ các nghị sĩ phe đối lập tẩy chay đã được Quốc hội Israel thông qua. Ngay sau khi kết thúc phiên bỏ phiếu, Nhóm Giám sát chính trị Israel của phe đối lập mang tên Phong trào vì chất lượng quản trị tại Israel tuyên bố sẽ kháng án lên Tòa án tối cao nhằm vô hiệu hóa dự luật.

Trong khi đó, người đứng đầu Liên minh các nghiệp đoàn lớn tại Israel thông báo sẽ tiến hành thảo luận với lãnh đạo các nghiệp đoàn về khả năng tổ chức tổng đình công trên toàn quốc để phản đối kế hoạch cải cách Tư pháp.

Trước đó, hàng nghìn người Israel đã tập trung biểu tình phản đối bên ngoài trụ sở Quốc hội Israel ở thành phố Jerusalem để gây sức ép. Tại đây, cảnh sát chống bạo động Israel đã phải dùng vòi rồng phun nước giải tán đám đông người biểu tình tìm cách phong tỏa lối vào tòa nhà Quốc hội.

Sau khi Quốc hội Israel thông qua Dự luật Cải cách Tư pháp những cuộc biểu tình lại tiếp tục nổ ra. Theo Reuters, các cuộc biểu tình phản đối cải cách đã bắt đầu từ sáng sớm 24-7. Đến tối, hàng nghìn người đã xuống đường trên khắp đất nước, phong tỏa các đường cao tốc và xô xát với lực lượng an ninh. Cảnh sát Israel thông báo đã bắt giữ ít nhất 19 người quá khích trong ngày.

Tuy nhiên, Chính phủ Israel vẫn giữ vững lập trường. Thủ tướng Israel Benzamin Netanyahu khẳng định cải cách Tư pháp là tiến trình cần thiết nhằm làm tăng hiệu quả điều hành và quản trị đất nước.

Còn Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin, “kiến trúc sư” của gói cải cách do Thủ tướng Netanyahu khởi xướng, gọi cuộc bỏ phiếu của Knesset là “bước đầu tiên” để tạo ra sự cân bằng hơn giữa các nhánh trong cơ cấu quyền lực nhà nước.

Kế hoạch cải cách tư pháp đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình phản đối chưa từng có trên toàn quốc ở Israel diễn ra nhiều tháng nay. Khủng hoảng không chỉ gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội mà còn lan sang cả Quân đội Israel. Phe đối lập cảnh báo hàng nghìn lính dự bị tình nguyện sẽ không đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, đe dọa khả năng sẵn sàng chiến tranh của quân đội Do Thái nếu chính phủ tiếp tục kế hoạch cải cách.

Diễn biến trên khiến các nước đồng minh của Israel lo lắng. Mỹ lặp lại khuyến nghị các nhà lãnh đạo Israel cùng hướng tới “sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể” thông qua đối thoại chính trị.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định, ông sẽ tìm cách đối thoại với phe đối lập với mục đích đạt được một thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng 11.

Trong khi đó, lãnh đạo phe cánh tả đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid tuyên bố sẽ chống lại kế hoạch cải cách tư pháp đến cùng: “Chính phủ Israel đã phát động một cuộc chiến tranh tiêu hao đối với công dân của chính mình và phát hiện ra rằng người dân không thể bị mài mòn. Chúng tôi sẽ không từ bỏ tương lai của con cái mình”.

Cuộc cải cách tư pháp đã khiến Israel rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất, gây ra làn sóng biểu tình chưa từng có ở trong nước, đồng thời khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc. Giới quan sát cho rằng, bất đồng từ cải cách tư pháp có thể khiến Irael rơi vào nội chiến ngoài mong đợi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>