Các lệnh trừng phạt Nga vẫn chưa phát huy hiệu quả

13/05/2022 | 08:31 GMT+7

Các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ, châu Âu và các nước liên quan liên tục gia tăng nhưng xem ra không thể hạ nhiệt cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo Chính phủ Ukraine, nước này cần từ 5-7 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp thâm hụt ngân sách do chiến sự với Nga. Nguồn: Reuters

Các nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu vừa thông qua nghị quyết có thể dẫn tới việc đóng cửa Văn phòng khu vực tại Nga, cũng như đình chỉ các hội nghị ở nước này, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).

Nghị quyết của WHO đề cập đến tình trạng khẩn cấp về y tế tại Ukraine, tình trạng các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh cấp tính cũng như số người thương vong tại Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.

Mới đây, Ukraine cho biết việc nước này cũng đã dừng vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu vì tình huống “bất khả kháng”. Công ty dịch vụ trung chuyển khí đốt Ukraine (OGTSU) cho biết, khí đốt từ điểm nối này sẽ không được bơm vào hệ thống trung chuyển của Ukraine bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 11-5 (giờ địa phương). Ước tính hệ thống trung chuyển này chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga vận chuyển qua Ukraine tới châu Âu, với khoảng 32,6 triệu m3/ngày. Động thái này vô hình trung đã xúc tiến đẩy nhanh tiến trình lệnh cấm vận dầu từ Nga của châu Âu.

Trước đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ hy vọng khối này sớm đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu nhằm vào Nga. Dự kiến, Ngoại trưởng các nước thành viên EU nhóm họp vào ngày 16-5 tới.

Cùng thời gian này, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự mà Matxcơva thực hiện tại Ukraine từ cuối tháng 2 vừa qua. Những biện pháp trừng phạt này bao gồm cắt quảng cáo của phương Tây khỏi 3 đài truyền hình lớn nhất của Nga, cấm các công tư vấn và kế toán của Mỹ cung cấp dịch vụ cho người Nga, cùng nhiều hạn chế đối với lĩnh vực công nghiệp của nước này. Ngoài ra, vòng trừng phạt mới cũng hạn chế Nga tiếp cận các sản phẩm gỗ, động cơ công nghiệp của Mỹ.

Trong một động thái liên quan, trước đó Anh cam kết hỗ trợ quân sự và viện trợ bổ sung 1,3 tỉ USD cho Ukraine. Động thái này được công bố một ngày sau khi Mỹ cam kết viện trợ quân sự thêm 150 triệu USD cho Ukraine.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đã có cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8-5, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ về quân sự và kinh tế để giúp “Ukraine đảm bảo tương lai tự do, dân chủ”. G7 cũng cam kết sẽ tăng cường viện trợ tài chính ngắn hạn cho Ukraine trong tuần tới và cung cấp nhiều lựa chọn cho quá trình tái thiết lâu dài của quốc gia này. Tuyên bố cũng lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cho biết thêm, tất cả các nước G7 đều nhất trí “loại bỏ dầu mỏ của Nga một cách kịp thời và phù hợp”.

Mặc dù lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên tục gia tăng theo thời gian và số quốc gia nhưng xem ra mục tiêu vẫn chưa đạt được. Thành viên Nghị viện châu Âu người Ireland Clare Daly cho rằng lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sẽ không thể ngăn chặn cuộc chiến hoặc cứu sống bất kỳ sinh mạng nào ở Ukraine. Bà Daly cho rằng: “Nếu châu Âu không mua dầu mỏ Nga, bên khác sẽ mua. Nhưng những người dân châu Âu sẽ phải chịu hậu quả”. Theo bà Daly, bằng cách gửi thêm vũ khí đến Ukraine, dường như EU và chính phủ Ireland đang muốn leo thang chiến tranh và đảm bảo cuộc chiến tiếp tục.

Phản ứng trước các lệnh trừng phạt trên, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin tuyên bố nước này cần đáp trả tương xứng với quyết định đóng băng tài sản Nga từ một số “quốc gia không thân thiện”. Còn Tổng thống Nga Putin ví các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga “giống như một lời tuyên chiến”.

Điều tác hại hơn là sau các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga thì cuộc chiến Nga - Ukraine chẳng những không hạ nhiệt mà còn ác liệt hơn. Giới quan sát lo ngại cuộc chiến này sẽ còn kéo dài và chưa biết bao giờ đến hồi kết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>