Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến Nga ?

21/04/2023 | 09:33 GMT+7

Mỹ và phương Tây lại gia tăng trừng phạt Nga với ý định tạo thêm áp lực để Matxcơva rút quân khỏi Ukraine nhưng xem ra kết quả hoàn toàn ngược lại.

Mỹ trừng phạt hơn 120 tổ chức và cá nhân ở hơn 20 quốc gia có liên quan Nga. Nguồn: DORSEY

Mới đây, giới chức Mỹ lại áp lệnh trừng phạt 120 thực thể Nga. Trong số này có tỉ phú Nga Alisher Usmanov, người sở hữu “mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại những thiên đường tài chính”. Mỹ cho rằng Usmanov thực hiện các giao dịch tài chính thông qua thành viên nhằm né các biện pháp trừng phạt. Giới chức Mỹ cho biết, họ nhắm mục tiêu vào Công ty USM Holdings của tỉ phú Usmanov, cũng như các doanh nghiệp trực thuộc để làm suy yếu kinh tế Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt công ty quân sự tư nhân Patriot. Mỹ cho rằng công ty Patriot có liên hệ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và cạnh tranh với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của doanh nhân Yevgeny Prigozhin.

Danh sách trừng phạt còn có HEAD Aerospace Technology, công ty phân phối ảnh vệ tinh có trụ sở tại Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc cung cấp thông tin về các địa điểm tại Ukraine cho những thực thể có liên hệ với Wagner và lãnh đạo tập đoàn Prigozhin.

Mỹ cũng trừng phạt ít nhất 4 thực thể tại Thổ Nhĩ Kỳ mà họ cho là vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cũng như hỗ trợ chiến dịch nhằm vào Ukraine của Nga.

Các cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ bị đóng băng tài sản tại nước này. Lệnh trừng phạt cũng cấm mọi hoạt động hợp tác, giao dịch và đầu tư từ Mỹ với cá nhân hay tổ chức trong danh sách trừng phạt, trừ trường hợp được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) cấp phép đặc biệt.

Ngoài ra, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 quan chức hàng đầu của Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) do Nga kiểm soát tại Hungary, gồm một cựu chủ tịch và 2 quan chức cấp cao trong ban quản lý ngân hàng. Đại sứ Mỹ tại Budapest David Pressman cho rằng: “Một cơ sở mờ ám của Điện Kremlin hiện diện tại trái tim của Hungary đe dọa an ninh và chủ quyền của người dân nước này, các nước láng giềng tại châu Âu và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Trước đó, hồi tháng 2-2023 Bộ Ngoại giao Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào hơn 60 quan chức cấp cao cùng ba doanh nghiệp liên quan chương trình hạt nhân của Nga.

Sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát vào tháng 2-2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm gây thiệt hại kinh tế Nga và bóp nghẹt nguồn lực phục vụ chiến dịch của nước này. Phương Tây cũng phong tỏa tài sản của nhiều công ty và công dân Nga. Tuy nhiên, tác động của những lệnh trừng phạt này vẫn chưa đủ mạnh để ngăn cản chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine. 

Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh EU Josep Borrell thừa nhận liên minh không còn nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Ông Borrell nói sau hơn một năm tăng dần cấp độ, “EU còn nhiều lựa chọn mới là chuyện lạ”.

Còn Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 23-3 thừa nhận kinh tế nước này chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có Mỹ, song vẫn sống sót và sẽ hoàn toàn thích nghi vào năm 2024. Ông Mishustin cũng chỉ trích phương Tây nhằm mục tiêu vào dân thường Nga.

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ kinh tế Nga ít bị tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây bởi vì Matxcơva đã linh hoạt trong điều chuyển nhanh ngoại giao để tìm đối tác mới. Khi các đối tác châu Âu quay lưng, Nga đã chuyển sang châu Á và các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, hai thị trường lớn nhất thế giới để cung cầu hàng hóa khỏi bị gián đoạn. Chính điều này đã phần nào giúp kinh tế Nga trụ vững, giảm áp lực từ các lệnh trừng phạt và đang có chiều hướng phát triển. Điều này đồng nghĩa với giao tranh tại Ukraine vẫn chưa tìm được hồi kết như mong muốn của Mỹ và phương Tây.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích