“Bóng ma” lại xuất hiện

04/08/2023 | 05:49 GMT+7

Cứ mỗi lần “bóng ma” tái xuất hiện đều là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia, nhất là người dân vô tội.

Hiện trường vụ đánh bom tự sát ở Pakistan. Ảnh: Reuters

Đó chính là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với nhiều hoạt động khủng bố trên toàn cầu. Mới đây, lực lượng khủng bố này lại tái xuất hiện khi đánh bom tự sát tại quận Bajaur, tỉnh Tây Bắc Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Vụ khủng bố đã khiến 54 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương.

Vụ đánh bom nhằm vào một cuộc vận động tranh cử của đảng Jamiat Ulema-e-Islam - JUI-F tại quận Bajaur nằm sát biên giới với nước láng giềng Afghanistan. Đảng JUI-F là một đối tác quan trọng của liên minh cầm quyền tại Pakistan, và chính trị gia theo đường lối cứng rắn Fazlur Rehman lãnh đạo.

Thông báo của IS cho biết, một thành viên của tổ chức này đã cho nổ chiếc áo khoác chứa chất nổ của hắn ngay giữa đám đông ở thị trấn Khar nhằm phá vỡ sự kiện chính trị được tổ chức gần một khu chợ, bên trong một chiếc lều lớn, với mục tiêu giết chính trị gia Rehman. Tuy nhiên, ông Rehman đã không tham dự sự kiện này vào phút cuối nên thoát chết. Trước đó, ông Rehman đã thoát khỏi ít nhất hai vụ tấn công bằng bom xảy ra tại các cuộc mít-tinh chính trị vào năm 2011 và 2014.

Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif, Tổng thống Arif Alvi và nhiều lãnh đạo nước này đã lên án vụ tấn công và yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa cho những người bị thương và gia đình những người thiệt mạng. Văn phòng Thủ tướng Pakistan đã ra chỉ thị yêu cầu điều tra vụ việc và xác định thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này. Cảnh sát Pakistan đang lấy lời khai của những người bị thương tại bệnh viện thuộc Kha, thị trấn lớn nhất của quân Bajaur.

Tuy nhiên, IS đã thừa nhận gây ra vụ khủng bố trên. Vụ tấn công được xem là lời nhắc nhở về tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Đồng thời, vụ khủng bố này đã làm dấy lên lo ngại Pakistan có thể bước vào giai đoạn bầu cử đẫm máu sau nhiều tháng hỗn loạn chính trị kể từ khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào tháng 4-2022. Ngoài ra, sự trở lại của tổ chức khủng bố IS đang đe dọa đến an ninh của toàn bộ khu vực Nam Á.

Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa nhóm Tehrik-e - Taliban - Pakistan (TTP) với chính phủ nước này sụp đổ hồi năm ngoái, các vụ tấn công khủng bố đã gia tăng tại quốc gia Nam Á này.

Hồi đầu năm nay, hơn 100 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom một nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Peshawar, thủ phủ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

Theo một báo cáo mới đây của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, TTP đang cân nhắc khả năng hợp nhất với Al Qaeda để tạo thành một thực thể duy nhất tập hợp tất cả các tổ chức vũ trang cực đoan hoạt động tại Nam Á.

Pakistan từ lâu đã cáo buộc Afghanistan phải chịu trách nhiệm vì đã không giữ lời hứa đảm bảo rằng lãnh thổ của họ không bị các tổ chức khủng bố sử dụng để tấn công nước láng giềng. Tuy nhiên, kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan tháng 8-2021 tới nay, an ninh nội bộ của Pakistan đã xuống cấp nghiêm trọng với những vụ tấn công khủng bố gia tăng, sự trỗi dậy hoạt động của các tổ chức khủng bố ở trong nước. Những gì đang diễn ra với Pakistan chắc hẳn trái ngược với kỳ vọng của giới cầm quyền nước này. Pakistan từng được cho là hậu thuẫn sự lên ngôi của Taliban trong bối cảnh Mỹ đã rút lực lượng quân sự khỏi quốc gia láng giềng.

Islamabad còn từng đứng đằng sau hậu trường để loại bỏ những thành viên được coi là “ôn hòa” trong Taliban, tạo điều kiện để những phần tử có quan điểm cứng rắn chiếm ưu thế trong Nội các mới của Afghanistan. Nhưng cũng kể từ đó, mọi việc đã hoàn toàn không nằm trong tầm kiểm soát của Pakistan.

Việc IS tái xuất hiện bằng khủng bố tại Pakistan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo “bóng ma” này đã hồi sinh và sẽ gieo rắc đau thương cho nhiều quốc gia nếu khong kịp thời dập tắt.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>