Biến đổi khí hậu làm gia tăng dịch tả ở nhiều nước

19/12/2022 | 08:31 GMT+7

WHO đang ứng phó với dịch tả bùng phát ở 29 quốc gia, trong đó có Haiti, quốc gia đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh tả, trên 14.000 trường hợp nghi mắc và 280 người tử vong.

Haiti đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh tả. Ảnh: MEDICAL XPRESS

Dịch tả đang có dấu hiệu lây lan mạnh tại Syria. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn thông tin từ Đơn vị Điều phối hỗ trợ (ACU) cho biết, số bệnh nhân tử vong do dịch tả ở khu vực nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Chính phủ Syria tính đến ngày 11-12 là 47 người, gồm 30 người ở khu vực Đông Bắc và 17 người ở Tây và Tây Bắc nước này.

Bộ Y tế Syria thông báo, số người mắc bệnh tả trong khu vực kiểm soát đã lên tới 1.609, trong đó có 49 trường hợp tử vong.

Tiến sĩ Adnan Talib, điều phối viên của Mạng Cảnh báo sớm và Phản ứng với Dịch bệnh (EWERN), xác nhận, số ca nghi mắc bệnh tả ở miền Bắc và Tây Bắc Syria là 22.763 người.

EWERN đang phối hợp chặt chẽ với Nhóm công tác về Dịch tả và Bệnh tiêu chảy của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để khắc phục các vấn đề hiện nay.

Trưởng nhóm công tác về Dịch tả và Bệnh tiêu chảy của WHO, tiến sĩ Philippe Barboza cho biết, dịch tả thường bùng phát nghiêm trọng ở những quốc gia đang chật vật đối phó với nghèo đói, xung đột và khủng hoảng nhân đạo, nơi người dân không được tiếp cận với nước sạch.

Tuy nhiên, năm nay, có thêm một yếu tố làm gia tăng dịch tả đó là tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt chưa từng có và lốc xoáy ở một số quốc gia trên thế giới. Theo ông Barboza, trước đây dịch tả đã bùng phát mạnh ở một số quốc gia, nhưng chưa bao giờ các đợt dịch tả bùng phát cùng lúc ở nhiều nước như hiện nay.

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, trong năm nay, có 7,6 tỉ người, tương đương 96% dân số thế giới, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ nắng nóng cho tới lũ lụt.

Châu Âu đã phải hứng chịu mùa hè 2022 với những đợt nắng nóng cực đoan gây hạn hán trên diện rộng. 60% diện tích châu Âu bị hạn hán. Đây được xem là tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất tại châu lục này trong 500 năm qua.

Trong khi đó, các nước Nam Á, đặc biệt là Pakistan, lại ở một thái cực hoàn toàn khác. Pakistan chỉ “góp” chưa tới 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng nước này đã phải gánh chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Những trận “đại hồng thủy” trong mùa hè năm nay đã khiến 30% diện tích Pakistan ngập trong biển nước.

Chuyên gia khí hậu của Ủy ban châu Âu David Garcia Leon nhận định, năm nay, thiệt hại do hạn hán gây ra đối với riêng khu vực châu Âu đã lên tới hơn 8,7 tỉ Euro.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay, quá nhiều kỷ lục không mong muốn được xác lập, cuộc sống của người dân điêu đứng là những minh chứng rõ nét cho tình trạng biến đổi khí hậu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>