Bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục tăng

06/06/2022 | 18:18 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, từ ngày 13-5 đến 2-6, các cơ quan y tế đã ghi nhận 780 ca mắc đậu mùa khỉ tại 27 quốc gia mà căn bệnh này không phải là bệnh đặc hữu.

Ảnh minh họa: Time of Info

Cho đến nay, Anh ghi nhận số ca mắc đậu mùa khỉ cao nhất với 207 trường hợp, tiếp đến là Tây Ban Nha (156), Bồ Đào Nha (138), Canada (58) và Đức (57). Ngoài các nước châu Âu và Bắc Mỹ, vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ cũng đã lan ra các nước hiếm khi xuất hiện căn bệnh này gồm Argentina, Australia, Marocco và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), mỗi nước ghi nhận dưới 10 ca mắc. Ở những nước mà bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh đặc hữu, chỉ một ca mắc bệnh cũng được coi là bùng phát ổ dịch.

WHO cảnh báo, vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục lây lan và sẽ có thêm nhiều nước khác báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh này. Đáng chú ý, ở một số quốc gia, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận mới đây không có tiếp xúc gần với người mắc bệnh, cho thấy vi-rút đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian.

Mặc dù hiện nay nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng vẫn ở mức thấp, nhưng nguy cơ có thể gia tăng nếu vi-rút đậu mùa khỉ lây lan mạnh ở những quốc gia chưa từng ghi nhận bệnh này. Ở cấp độ toàn cầu, WHO đánh giá nguy cơ ở mức trung bình do đây là lần đầu tiên ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ và ổ dịch đậu mùa khỉ ở những nước coi đây là bệnh đặc hữu cũng như những nước không coi đây là bệnh đặc hữu.

Theo WHO, ở những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, ở những nước mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục tăng.

Các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Cameroon, Trung Phi, CH Congo-Brazzaville, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d’Ivoire và Ghana, nơi mới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ ở động vật. Trong số 7 quốc gia đầu tiên được liệt kê, 66 ca tử vong do mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2022.

Điều đáng quan tâm, theo phát hiện mà tiến sĩ Andrew Rambaut từ Đại học Edinburgh, Anh, cùng cộng sự tìm ra và đăng tải trên diễn đàn Virological cuối tháng 5, chủng vi-rút đậu mùa khỉ có 47 đột biến mới.

“47 vị trí được thay thế trong khoảng 3-4 năm là con số lớn đến không ngờ. Vi-rút gây đậu mùa khỉ được coi là loại lây truyền từ động vật sang người và khả năng truyền từ người sang người giới hạn”, tiến sĩ Andrew Rambaut, tác giả chính, đánh giá.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vinod Scaria, nhà khoa học cấp cao tại Viện Genomics và Sinh học Tích hợp (CSIR-IGIB) của Delhi, Ấn Độ, cho rằng tỷ lệ đột biến của vi-rút đậu mùa khỉ vẫn chưa được xác định rõ ràng.

“Con số đến từ dữ liệu hạn chế khiến chúng ta khó xác định được điều này. Sự thiếu chính xác cũng xuất phát từ thực tế vi-rút đậu mùa khỉ chủ yếu là bệnh lây từ động vật sang người và những bộ gene trước đây không phải do lây truyền lâu dài từ người với người”, vị chuyên gia giải thích.

Nhận định về 47 đột biến xuất hiện trong bộ gene đang được giải trình tự, tiến sĩ Vinod Scaria nói: “Số lượng đột biến có vẻ nhiều hơn đáng kể so với dự kiến, song, điều này có nhiều ý nghĩa hơn. Tỷ lệ đột biến ước tính với bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau ở các vật chủ khác nhau. Nhiều con đường tiến hóa trung gian và vật chủ ban đầu của chúng chưa được xác định để biết chính xác kết quả là gì”.

Sự hiện diện của 47 đột biến cho thấy vi-rút đậu mùa khỉ đột biến với tốc độ cao hơn nhiều so với tỷ lệ trước đây (2-3 đột biến/năm), nhưng các đột biết không hẳn khiến vi-rút dễ lây lan hơn.

“Những đột biến mà chúng tôi thấy không làm thay đổi các axit amin trong protein. Nó cho thấy những đột biến này là tàn tích của hoạt động enzyme, không nhất thiết là quá trình tiến hóa, thích nghi của vi-rút”, tiến sĩ Scaria giải thích.

Ngoài ra, vi-rút đậu mùa khỉ không giống SARS-CoV-2. Nó không dựa vào thụ thể để xâm nhập tế bào. Vì vậy, các đột biến xuất hiện cũng khó làm tăng khả năng lây nhiễm của vi-rút.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>