Trao “cần câu” giúp thoát nghèo

26/03/2024 | 09:04 GMT+7

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ dân ở thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bò giống là niềm hy vọng cải thiện kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống của bà Thạch Thị Cẩm Hồng, ở ấp Long An.

Sinh kế trao tay, ổn định cuộc sống

Gia đình bà Thạch Thị Cẩm Hồng, ở ấp Long An, thoát nghèo nhờ được hỗ trợ từ Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn thị trấn Cái Tắc năm 2023”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

Gia đình bà Hồng có 4 nhân khẩu, bà đang sống cùng con trai và 2 người cháu. Chi phí trang trải cả nhà phụ thuộc vào người con trai làm phụ hồ, cuộc sống gia đình khó khăn. Căn nhà hiện tại đang sinh sống do chính quyền địa phương vận động xây nhà tình thương vào đầu năm nay.

Được chính quyền địa phương chọn lựa hỗ trợ sinh kế, bà Hồng chia sẻ: “Ngày biết tin được hỗ trợ bò giống tôi mừng không ngủ được. Nhờ chính quyền giúp sức, nay có được 2 con bò tôi cũng cố gắng lo làm ăn, hàng ngày đều đi cắt cỏ về cho bò ăn, rồi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Mong sao bò mau lớn, khỏe mạnh cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn”.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn thị trấn Cái Tắc năm 2023” hơn 436 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương phân bổ là 316 triệu đồng, số còn lại do người dân đối ứng. Có 10 hộ dân ở 2 ấp Long An và Long An B được hỗ trợ, mỗi gia đình nhận được 2 con bò giống.

Quan tâm đời sống Nhân dân

Thời gian qua, thị trấn Cái Tắc đã triển khai thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội phát triển kinh tế, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, con giống được giao các hộ dân phát triển tốt.

Ông Huỳnh Văn Phát, Trưởng ấp Long An, cho biết: “Ấp Long An có 4 hộ được thị trấn hỗ trợ giống. Từ khi có bò để chăn nuôi, các gia đình đều rất tích cực chăm sóc cẩn thận. Cùng với đó là sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương giúp người dân càng thêm nỗ lực để thoát nghèo. Tôi cũng được phân công nhiệm vụ thường xuyên quan tâm theo dõi sát những hộ chăn nuôi và báo cáo ngay nếu có khó khăn”.

Để người dân tự tin thực hiện dự án là cả quá trình tuyên truyền, vì tâm lý chung của người dân là băn khoăn, lo ngại, sợ không có đủ kinh nghiệm để chăn nuôi nên bên cạnh việc giúp con giống, địa phương phối hợp, hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc để vật nuôi phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt.

Ông Danh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tắc, thông tin: “Cán bộ thị trấn thường xuyên thăm hỏi tình hình chăn nuôi của bà con. Qua đó, nắm bắt được khó khăn của bà con, như bị thiếu nguồn thức ăn thì nhanh chóng tìm biện pháp, hướng dẫn bà con trồng cỏ ở khu vực thích hợp để khắc phục tình hình... Cán bộ thú y thị trấn theo dõi sát, không để bà con phải lo lắng về tình hình phát triển của bò giống”.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo của Đảng ủy, UBND thị trấn, ý chí, nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên của người dân, địa phương đã giảm nghèo đạt nhiều kết quả, hiện còn 81 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,99%. “Từ sự chung tay của nhiều nguồn lực xã hội, các hộ dân sẽ có thêm điều kiện sản xuất, từ đó tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn thị trấn Cái Tắc”, ông Hoàng chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>