Kỳ vọng mô hình chăn nuôi dê giúp giảm nghèo bền vững

09/02/2023 | 05:20 GMT+7

Để tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, Đảng ủy và UBND xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã thực hiện nhiều mô hình sinh kế giúp người dân trên địa bàn giảm nghèo bền vững.

Mô hình nuôi dê của hộ ông Võ Thanh Sơn, ở ấp Láng Hầm B, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng gia đình được xem là đòn bẩy để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, việc hỗ trợ sinh kế để tạo điều kiện cho người dân cải thiện đời sống là công tác được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.

Ông Võ Thanh Sơn, cựu chiến binh ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, bộc bạch: “Từ nguồn vốn của Hội Nông dân, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm chuồng trại và mua con giống. Qua 10 tháng tham gia mô hình, tôi nhận thấy chăn nuôi dê là một giải pháp hữu hiệu giúp ổn định đời sống của bà con ở đây, vì dê vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí thức ăn. Nhờ tham gia mô hình này mà thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn thời gian trước rất nhiều”.

Do đó, để có thể tiếp sức, trợ lực hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, năm nay UBND xã Thạnh Xuân tiếp tục xây dựng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi dê thương phẩm”. Để tổ chức thực hiện tốt mô hình này, địa phương có sự lựa chọn những hộ cần giúp đỡ là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có chí thú làm ăn, nhiệt tình và tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, để hỗ trợ thực hiện mô hình một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận từ phía người dân. Theo đó, mô hình thực hiện tại 12 hộ trên địa bàn xã, mỗi hộ dân tham gia được hỗ trợ 30 triệu đồng từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, vốn đối ứng của người dân là 25 triệu đồng và không thu hồi vốn.

Bà Lê Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân, cho biết: Trên địa bàn xã còn không ít hộ dân gặp khó khăn trong cuộc sống, do đó việc hỗ trợ sinh kế để tạo điều kiện cho bà con cải thiện đời sống được xã quan tâm. Trong năm 2022, xã đã triển khai nhiều mô hình như: Hỗ trợ cho bà con vay vốn, giới thiệu việc làm, vận động mạnh thường quân giúp đỡ. Đầu năm nay, mô hình “Chăn nuôi dê thương phẩm” được xây dựng dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương. Xã Thạnh Xuân được biết đến là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái. Phần lớn người dân ở xã Thạnh Xuân chủ yếu làm vườn, phế phẩm từ cây trồng có thể tận dụng để làm thức ăn cho dê, nhờ đó bà con có thể giảm được chi phí.

Tham gia mô hình, mỗi hộ dân được hỗ trợ 3 con dê giống. Bên cạnh đó, bà con được tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc để mô hình đạt hiệu quả cao. Các đơn vị còn thường xuyên quan tâm theo dõi và hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi và đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ dân tham gia mô hình. Theo đánh giá của bà Lê Thanh Xuân, đây là mô hình có tính khả quan cao vì chi phí đầu tư chuồng trại thấp, nguồn thức ăn có sẵn và đầu ra ổn định mang lại giá trị kinh tế cao nên kỳ vọng sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Như trường hợp của gia đình bà Đặng Thị Liên, ở ấp Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân, hơn nửa đời người phải làm thuê làm mướn mà cái nghèo vẫn đeo bám. Hộ bà Liên là một trong 12 hộ dân tham gia mô hình lần này, bà Liên tâm sự: “Không có đất canh tác, tôi và chồng chỉ có công việc làm mướn, ai kêu gì thì làm nấy nên thu nhập không mấy ổn định. Khi được xã vận động tham gia mô hình nuôi dê giảm nghèo, tôi phấn khởi lắm. Chúng tôi được xã hỗ trợ dê giống, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và đặc biệt là được bao tiêu đầu ra nên tôi thấy yên tâm. Hy vọng mô hình này sẽ giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định để có thể nhanh chóng thoát nghèo”.

Trong những tháng đầu năm nay, Đảng bộ và Nhân dân xã Thạnh Xuân luôn tập trung thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã là 73/2.818 hộ, chiếm tỷ lệ 2,59%, hộ cận nghèo 21 hộ, 64 khẩu chiếm 0,75%. Sau khi rà soát, hiện nay tổng số hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 51 hộ, chiếm tỷ lệ 1,83%. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và Nhân dân xã Thạnh Xuân trong tiến trình xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Có thể thấy, các mô hình hỗ trợ sinh kế không chỉ hỗ trợ “cần câu” bằng nguồn vốn, cây, con giống mà còn chỉ cho người dân “cách câu cá” thông qua việc định hướng mô hình và hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hiệu quả do các mô hình mang lại giúp không ít người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>