Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu và thăng trầm lịch sử

08/10/2021 | 08:25 GMT+7

Đất Vị Thanh - Hỏa Lựu với cánh đồng mênh mông giữa Cần Thơ - Rạch Giá từ thời Mạc Cửu vẫn luôn là địa bàn hiểm trở. Trải qua nhiều giai đoạn, đến thời Pháp thuộc và giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Vị Thanh - Hỏa Lựu là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử.

Tượng đài di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình là minh chứng cho một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt của người dân vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu.

Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang). Tỉnh lỵ Hà Tiên và huyện lỵ Kiên Giang rơi vào tay giặc ngày 24-6-1867. Sau đó, ngày 16-8-1867, Pháp đặt hạt tham biện Rạch Giá, cai quản vùng huyện Kiên Giang cũ với 110 xã, thôn gồm cả huyện Long Xuyên (Cà Mau trước đây) cho tới năm 1882. Tổng Giang Ninh vẫn có 5 xã, 6 thôn (bao gồm các xã Hỏa Lựu, Vị Thủy). Tính chung, dân số toàn tỉnh Rạch Giá là 31.525 người (trong đó có người Việt, Hoa và Cao Miên). Từ ngày 5-1-1876, các thôn, xã đổi gọi là làng: Làng Hỏa Lựu là 1 trong 16 làng của tổng Giang Ninh.

Thành lập làng Vị Thanh

Ngày 24-5-1894, chính quyền Pháp thành lập làng mới Vị Thanh, đồng thời các làng An Bình, An Lợi đều thuộc tổng Giang Ninh. Kể từ lúc này, làng Hỏa Lựu và làng Vị Thanh (thuộc thành phố Vị Thanh ngày nay) chính thức có tên trên địa bàn tỉnh Rạch Giá. Ngày 20-5-1920, Pháp thành lập quận Giồng Riềng, có duy nhất tổng Giang Ninh, với 7 làng, trong đó có làng Vị Thanh. Làng Hỏa Lựu tách ra thuộc tổng Kiên Định (1901), rồi tổng An Ninh (1907). Từ năm 1920, làng Hỏa Lựu thuộc quận Long Mỹ, rồi quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá suốt thời Pháp thuộc và thời kháng Pháp cho đến năm 1954.

Từ năm 1945-1954, sau Cách mạng tháng Tám thành công; Đảng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp; các làng Hỏa Lựu, Vị Thanh có lúc trực thuộc Huyện ủy - Ủy ban kháng chiến hành chính quận Giồng Riềng, lúc trực thuộc khu vực Vị Thanh rồi quận Vị Thanh, nhập lại về Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá. Từ năm 1949, quận Giồng Riềng giải thể; xã Vị Thanh và Hỏa Lựu giao về quận Long Mỹ, cả hai địa bàn đều thuộc vùng giải phóng.

Đến giai đoạn đấu tranh chính trị 1954-1960, tiếp tục có sự thay đổi về địa giới hành chính, từ phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa và phía chính quyền cách mạng, cho tới khi thành lập mới quận Đức Long (1960) và tỉnh Chương Thiện (1961).

Sau Hiệp định Đình chiến Giơnevơ 1954, nhằm mục đích thống trị lâu dài ở miền Nam - Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm không thi hành hiệp định, điều chỉnh lại địa giới lập thêm nhiều tỉnh, quận. Từ đó, địa bàn Hỏa Lựu - Vị Thanh nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính, bởi vị thế đặc biệt nằm giữa 3 quận: Giồng Riềng, Long Mỹ, Gò Quao; cùng là địa bàn giáp giữa tỉnh Rạch Giá và tỉnh Cần Thơ, nên tổ chức đơn vị hành chính các địa phương luôn biến động.

Một số đặc điểm đơn vị hành chính Vị Thanh

Làng Vị Thanh thuộc quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá suốt thời Pháp thuộc đến ngày 31-3-1955, chuyển đổi thuộc tổng An Ninh, quận Long Mỹ, tỉnh Sóc Trăng. Từ năm 1956, quận Long Mỹ trở lại thuộc tỉnh Phong Dinh. Ngày 24-12-1961, thuộc tỉnh Chương Thiện mới lập. Trước đó ngày 18-3-1960, chính quyền VNCH thành lập quận mới Đức Long, thuộc tỉnh Phong Dinh bao gồm tổng An Ninh. Xã Vị Thanh từ quận Long Mỹ tách chuyển sang quận Đức Long cho đến ngày 30-4-1975. Thời gian này, xã Vị Thanh có 9 ấp gồm: Vị Thiện, Vị Long, Vị Thành, Vị Đức, Vị Hưng, Vị An, Vị Tín và Vị Hòa.

Đặc điểm của đơn vị hành chính Vị Thanh: là đơn vị hành chính cấp làng; thời kháng Pháp có lúc trở thành cấp khu vực (tương đương quận), rồi cấp quận (1945-1947). Đầu thời kỳ chống Mỹ, làng đổi gọi xã; xã Vị Thanh là châu thành quận lỵ Đức Long và tỉnh lỵ Chương Thiện. Địa bàn xã là trung tâm khu trù mật, thí điểm của chính quyền Ngô Đình Diệm, vào thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Về phía cách mạng, từ năm 1945, đơn vị hành chính làng Vị Thanh được xác lập. Sau đó, công tác tổ chức trên địa bàn xã Vị Thanh có những thay đổi.

Từ năm 1957, huyện Long Mỹ giao về tỉnh Cần Thơ. Huyện Gò Quao và huyện Giồng Riềng nhập lại thành huyện Kiên Bình. Xã Vị Thanh giao về huyện Kiên Bình. Năm 1959, xã Vị Thanh có thêm phần đất thuộc xã Tân Hòa (Châu Thành, Cần Thơ) giao từ hai bên kinh Xà No, từ Tám Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi.

Tháng 7-1960, xã Vị Thanh giao về huyện Long Mỹ. Ngày 9-3-1961, huyện Long Mỹ thành lập thị trấn Vị Thanh, tách khỏi địa bàn xã Vị Thanh. Để phù hợp tình hình mới, ngày 28-6-1966, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập Đảng bộ thị xã Vị Thanh, nâng lên từ địa bàn thị trấn Vị Thanh và một phần xã Vị Thanh bao gồm các xã Vị Tân, Vị Đông ngày nay. Thị xã chia 3 vùng để nắm chặt tình hình đấu tranh, chỉ đạo phong trào cách mạng. Cơ cấu tổ chức thị xã Vị Thanh tồn tại cho đến sau giải phóng, đến tháng 1-1978.

Một số đặc điểm đơn vị hành chính Hỏa Lựu

Đây là đơn vị hành chính ra đời sớm nhất của vùng Vị Thanh xưa, từ triều Minh Mạng. Tương tự đơn vị hành chính Vị Thanh, làng Hỏa Lựu suốt thời Pháp thuộc tổng Kiên Định, tỉnh Rạch Giá, sau đổi thuộc tổng An Ninh cùng tỉnh. Từ năm 1920, thuộc quận Long Mỹ, mới lập cho đến suốt thời kỳ kháng Pháp. Sau năm 1956, gọi là xã Hỏa Lựu, tổng An Ninh, tỉnh Phong Dinh. Ngày 18-3-1960, đổi thuộc thành quận lỵ, quận Đức Long cùng tỉnh.

Ngày 24-12-1961, tỉnh Chương Thiện được thành lập bao gồm: quận Đức Long, tổng An Ninh, xã Hỏa Lựu, từ quận Long Mỹ chuyển qua. Ngày 29-4-1974, Hỏa Lựu đổi thuộc quận Hưng Long, cùng tỉnh Chương Thiện. Được biết, xã Hỏa Lựu có 7 ấp: Mỹ An, Mỹ Quý, Mỹ Hiệp, Mỹ Tân, Mỹ Hòa, Mỹ Đức và Mỹ Thanh.

Cùng với xã Vị Thanh, xã Hỏa Lựu nằm trong khu trù mật, từ năm 1960-1963, chính quyền VNCH chọn đặt quận lỵ Đức Long tại đây. Với vị thế chiến lược, Hỏa Lựu 3 mặt giáp các con sông, kinh lớn; được xác định là vành đai lửa bảo vệ tỉnh lỵ Chương Thiện, ngăn chặn lực lượng cách mạng từ vùng giải phóng U Minh.

Về phía cách mạng, từ năm 1945 đến năm 1949, làng Hỏa Lựu thuộc huyện Giồng Riềng, rồi khu vực - quận Vị Thanh, huyện Kiên Bình. Sau đó, thuộc huyện Long Mỹ đến sau giải phóng 1975.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>