Vị Thanh hình thành và phát triển: Thị xã Vị Thanh với vai trò tỉnh lỵ Hậu Giang

07/04/2023 | 09:25 GMT+7

Được tái lập 4 năm, thị xã Vị Thanh trở thành trung tâm tỉnh, sau khi Hậu Giang được chia tách với thành phố Cần Thơ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004 (theo Nghị quyết số 22/2003/QH11).

Năm 2009, tháp đồng hồ được lắp tại khu vực trung tâm, tạo điểm nhấn cho thị xã Vị Thanh lúc bấy giờ.

Đây là một sự kiện đặc biệt không chỉ khẳng định, nâng cao hơn vị thế mà còn là trọng trách đối với thị xã Vị Thanh, trong vai trò tỉnh lỵ. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm và kế thừa kết cấu hạ tầng đô thị tỉnh lỵ trước ngày giải phóng năm 1975; cũng như phát huy nền tảng ban đầu của một đô thị loại IV - thị xã Vị Thanh đủ tự tin và tiềm lực bước vào giai đoạn mới.

Trong nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương; thị xã tiếp tục tiến trình đô thị hóa, chỉnh trang đô thị bằng sự tăng tốc để tạo nên chuyển biến mạnh mẽ. Điều hết sức thuận lợi so với trước đây, bởi tỉnh lỵ là trung tâm “đầu não”, “trái tim”, “bộ mặt” của tỉnh nên Vị Thanh vừa phát huy nội lực; vừa tranh thủ các nguồn lực của cấp trên. Như vậy, sẽ được thụ hưởng nhiều công trình quy mô, điểm nhấn, mang tầm chiến lược của tỉnh Hậu Giang.

Nắm bắt thời cơ này, Đại hội Đảng bộ thị xã lần VIII (nhiệm kỳ 2000-2005) xác định phương hướng, mục tiêu: “Khai thác có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự đầu tư nguồn vốn bên ngoài, tích cực củng cố và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị...”. Chỉ một năm sau, qua nhiều nỗ lực, thị xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng đô thị đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030.

Thời gian đầu trở thành tỉnh lỵ, Vị Thanh như một đại công trường, từ nội ô đến ngoại thị: Nhiều đường phố nối dài ra vùng ven, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Trước đây, tại địa bàn xã Vị Tân, Hỏa Lựu, phường IV, phường V còn khá đậm khung cảnh nông thôn, nay đã thấy mọc lên nhiều công trình dân dụng bề thế của tỉnh, của thị xã. Hàng loạt các cây cầu sắt cũ được thay thế bằng cầu bê tông hoặc thi công xây dựng mới thêm.

Khu vực trụ sở xã Hỏa Lựu vừa chia tách, dời về địa điểm rạch Cái Su hình thành ngay trung tâm dân cư, có chợ và nhiều tuyến giao thông kết nối. Khu vực xã Vị Tân xa xôi giáp ranh huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cũng chuyển mình, đón chào các công trình mới: Trường Cao đẳng cộng đồng, Trường nghề của tỉnh và khu dân cư - tái định cư...

Tại khu vực Cầu Đúc (cũ) xã Hỏa Tiến, người dân Vị Thanh - Gò Quao phấn khởi chuẩn bị qua cầu Cái Tư sắp hoàn thành. Bên hướng Vị Thủy, Quốc lộ 61, đường Tỉnh 931B đang mở rộng hơn; nhiều cơ quan, nhà hàng, khách sạn mới xây cất, chỉnh trang. Và con đường mới Tây sông Hậu (sau mang tên Võ Văn Kiệt) thi công gấp rút đoạn qua nội thị lộ giới 40m, đường Hậu Giang (sau mang tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp) lộ giới 50m.

Trong khi đó, ở trung tâm nội ô, hàng loạt các đường phố được nâng cấp, trải nhựa kết nối nhiều hướng. Tuyến đường Trần Hưng Đạo qua nội thị kéo dài đến 15km, tạo điểm nhấn cảnh quan mới, lạ cùng tuyến kè - công viên Xà No. Công trình khu văn hóa Hồ Sen sáng, xanh và đẹp thêm. Rạp hát Mỹ Thanh được sửa chữa trở thành Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Trước trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang, quảng trường Hòa Bình được nâng cấp, chỉnh trang; lắp đặt tháp đồng hồ tạo điểm nhấn văn hóa tại nội thị. Sau khi dời bến xe, cầu 30/4 bề thế vừa hoàn thành, cầu Lữ Quán và Cầu Đen cũ kỹ ngày nào nay đã xây dựng rộng chắc, vĩnh cửu với dòng xe, dòng người nườm nượp. Đẹp và ấn tượng nhất có lẽ là tuyến kè - công viên Xà No dọc theo đường Trần Hưng Đạo, ngày càng lộ rõ vóc dáng bề thế, bên dãy nhà phố đối diện càng vươn lên tầng cao...

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>