Vị Thanh hình thành và phát triển: Củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng

06/05/2022 | 09:41 GMT+7

Sau giai đoạn đầu hình thành các chi bộ đảng và chính quyền cách mạng, từ năm 1946, phong trào cách mạng vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu tiếp tục được củng cố, tăng cường với khí thế sục sôi và sự ủng hộ tích cực của Nhân dân.

Xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh ngày nay, một trong những địa bàn chiến đấu ác liệt trong giai đoạn chống Pháp 1946-1948.

Năm 1946, đồng chí Bảy Bụng, Bí thư Ban cán sự khu vực Vị Thanh về chỉ đạo thành lập Chi bộ làng Vị Thanh; đồng chí Lê Văn Dần, làm bí thư. Sau khi tổ chức đảng thành lập, địa phương tiến hành củng cố bộ máy chính quyền cách mạng, Ủy ban kháng chiến hành chính làng Vị Thanh được thành lập. Song song đó, lực lượng du kích làng Vị Thanh được củng cố với 30 đồng chí; ngoài ra ở các địa phương cũng hình thành Hội cha mẹ chiến sĩ, Hội phụ lão, Hội phụ huynh học sinh…

Tất cả nhằm tăng cường, phát huy sức mạnh phong trào cách mạng, đánh địch khi có điều kiện. Đồng thời, động viên Nhân dân tích cực sản xuất, đóng góp thuế đảm phụ, lạc quyên tiếp tế cho bộ đội, ủng hộ kháng chiến, xóa mù chữ… Đến cuối năm 1946, Chi bộ làng Vị Thanh đã có đến 40 đảng viên.

Tại làng Hỏa Lựu, sau khi thành lập, củng cố chi bộ đảng, xây dựng chính quyền, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, Quận ủy Giồng Riềng tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng như Mặt trận Việt Minh, Hội nông dân cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc…

Phát huy hiệu quả việc thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể quần chúng, phong trào cách mạng chống thực dân Pháp ngày càng phát triển. Từ cuối năm 1946 đến cuối 1948, Nhân dân Hỏa Lựu, Vị Thanh liên tục đấu tranh chống giặc bằng nhiều hình thức như chống địch càn quét, đòi Pháp phải nghiêm chỉnh chấp hành thỏa ước và tạm ước mà Chính phủ Pháp đã ký với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuy nhiên, với dã tâm cướp nước, đặt ách thống trị lâu dài, bọn thực dân không những không thi hành hiệp định, tạm ước trái lại càng điên cuồng đàn áp Nhân dân. Tháng 7-1946, địch tổ chức càn quét ở khu vực Trà Ban, sông Cái Lớn bắn chết 5 thường dân.

Đáp lời kêu gọi của cách mạng, nhằm chống địch càn quét, hàng ngàn thanh niên được huy động tiến hành phá lộ Vị Thanh - Hỏa Lựu, đốn cây hai bên đường làm chướng ngại, ngăn cản bước tiến của quân Pháp. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng khu vực Vị Thanh, hàng ngàn người dân các làng Vị Thanh - Hỏa Lựu tập trung gần 6.000 người, có cả thiếu nhi kéo lên chợ Vị Thanh đòi Pháp phải nghiên cứu thực hiện các hiệp định, tạm ước đã ký với Chính phủ ta. Quân Pháp bắn xả vào đoàn biểu tình, làm chết và bị thương một số người, bắt đi 2 người, thủ tiêu 1 người. Dù bị tổn thất nhưng qua đợt đấu tranh này, phong trào cách mạng trong vùng phát triển mạnh.

Đầu năm 1947, khu vực Vị Thanh đổi thành quận. Đến tháng 10-1947, tỉnh Rạch Giá chủ trương sáp nhập quận Vị Thanh vào quận Giồng Riềng, đơn vị hành chính làng Vị Thanh không thay đổi.

Đáng chú ý, trong khí thế sục sôi tiến công, Đội du kích làng Hỏa Lựu phối hợp với Liên trung đoàn 122-124 của Khu 9, truy kích đánh địch tại đoạn lộ quẹo Cây Điệp, cách cầu Cái Tư khoảng 500m. Sau khi thăm dò, địch từ Cầu Đúc tiến lên Vị Thanh trên 2 xe nhà binh. Đến 14 giờ chiến đấu, địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta nổ súng tiêu diệt gọn 2 trung đội, thu toàn bộ vũ khí, xe quân sự. Trong đó, có viên đại úy Pháp Dupoint cùng Lâm Hàm Hái, phó Quận trưởng Gò Quao.

Trong năm 1947, quân dân Hỏa Lựu tiếp tục lập chiến công, phục kích đập tan lực lượng Dân xã Đảng (lính Hòa Hảo), diệt và bắt sống 124 tên địch.

Sang năm 1948, trên địa bàn Hỏa Lựu, một bộ phận của Liên trung đoàn 122-124, kết hợp lực lượng vũ trang quận diệt 1 tàu mũi bằng của địch, với hơn 1 đại đội Pháp và lính Lê Dương tại Cầu Đúc.

Trước áp lực mạnh mẽ của quân dân ta, giặc Pháp phải bỏ đồn Cầu Đúc chạy về Rạch Giá. Trên đường thoái lui, khi đi ngang qua rạch Hốc Hỏa, chúng còn nổ súng bắn chết 32 thường dân, phần lớn là đàn bà và trẻ con.

Sau khi quân Pháp bỏ đồn Cầu Đúc rút chạy, làng Hỏa Lựu trở thành vùng giải phóng từ ngày 21-8-1948.

Trong không khí hân hoan, thắng lợi, chi bộ, chính quyền địa phương chỉ đạo Nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng dâu nuôi tầm để dệt vải, giải quyết việc ăn mặc. Ủy ban kháng chiến hành chính tịch thu lúa gạo của những địa chủ theo giặc, cấp phát lại cho dân nghèo. Đặc biệt, vận động hội viên các đoàn thể cho cách mạng vay trên 10.000 giạ lúa, để nuôi quân đánh giặc.

Tuy giặc đã rút nhưng chi bộ, chính quyền vẫn kêu gọi Nhân dân đề cao cảnh giác, vững vàng tư thế phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu, đánh trả quân địch. Năm 1949, đồng chí Lữ Hữu Để thay đồng chí Bùi Duy Hinh làm Bí thư Chi bộ xã Hỏa Lựu; đồng chí Phan Điệt làm phó bí thư, tiếp tục phát triển, kết nạp thêm cả trăm đảng viên.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>