Vị Thanh hình thành và phát triển: Các xã trực thuộc thành phố Vị Thanh

19/11/2021 | 09:41 GMT+7

Cùng với 5 phường (I, III, IV, V, VII), địa bàn thành phố Vị Thanh hiện nay còn có 4 xã (Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến, Vị Tân) với nhiều đặc điểm dân cư, địa danh tiêu biểu của vùng đất Vị Thanh.

Người dân canh tác khóm ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.

Xã Hỏa Lựu

Địa danh truyền thống - cùng với Vị Thanh là 2 làng được thành lập từ thời khẩn hoang triều Nguyễn. Trong quá trình đô thị hóa, xã Hỏa Lựu chia tách thêm các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, phường VII. Giờ đây, trụ sở xã đặt tại khu vực rạch Cái Su. Địa bàn Hỏa Lựu giáp xã Tân Tiến, phường III, phường VII và sông Cái Lớn đoạn nối tiếp xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy). Bên kia sông là thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ). Trên địa bàn xã có tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đi qua; có 9,5km đường nhựa và 32 tên sông, rạch, kinh.

Hiện nay, diện tích tự nhiên của xã là 1.739ha, với dân số 6.862 người, kinh tế chính là nông nghiệp, chủ yếu là vườn cây ăn trái, rẫy mía, rẫy khóm và canh tác lúa. Trên địa bàn xã có chùa Khmer OchumWoongSa lập từ thời khẩn hoang. Hiện xã Hỏa Lựu có 6 ấp (Thạnh Lợi, Thạnh Phú, Thạnh Đông, Thạnh Bình, Thạnh Trung, ấp Mỹ 1), ngày 22-3-2019, xã Hỏa Lựu được công nhận là xã nông thôn mới.

Xã Hỏa Tiến

Thành lập ngày 21-4-1979 do tách ra từ xã Hỏa Lựu. Địa bàn giáp xã Tân Tiến, cách trung tâm thành phố Vị Thanh đến 20km. Xã Hỏa Tiến nằm dọc theo sông Cái Lớn, rạch Cái Tư và nhiều kinh rạch, có 23,2km đường nhựa. Đối diện bên kia bờ sông là huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Toàn xã hiện có 5 ấp (Thạnh Quới 2, Thạnh Hòa 2, Thạnh Xuân, Thạnh Thắng, Thạnh An) với tổng diện tích 2.380ha, dân số 4.263 người. Kinh tế chính của xã là nông nghiệp với chủ lực là cây khóm, lúa, mía. Vùng trồng khóm của xã hiện đang xúc tiến thành khu du lịch cộng đồng.

Trên địa bàn xã Hỏa Tiến có di tích “Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (1965-1967)” thuộc ấp Thạnh Thắng, đã được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có Trại giam Kênh 5 thuộc Bộ Công an nằm trên tuyến đường Phạm Hùng nối từ Quốc lộ 61 vào. Địa bàn xã không có cơ sở thờ tự, người dân sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại các đình, chùa ở xã Hỏa Lựu và phường VII. Xã Hỏa Tiến được công nhận đạt tiêu chí xã nông thôn mới vào ngày 29-12-2017.

Xã Tân Tiến

Xã mới lập vào ngày 27-10-2006, tách đất từ xã Hỏa Tiến, sau khi thị xã Vị Thanh thành lập, ở về phía cực Đông - Nam, xa trung tâm thành phố Vị Thanh gần 10km, có sông Cái Lớn, rạch Cái Tư, rạch Hốc Hỏa đi qua. Đây cũng là điểm cuối của đường nối Vị Thanh - Cần Thơ và Quốc lộ 61 gặp cầu Cái Tư, nối liền huyện Gò Quao (Kiên Giang). Xã có 10 tên sông, rạch, kinh chảy qua, có tuyến đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ đi qua với nhiều cống, đập, chủ động trữ nước ngọt sản xuất.

Toàn xã có tổng diện tích 2.195ha, với dân số 7.060 người. Kinh tế của xã hiện chủ yếu là nông nghiệp với mía, khóm là cây trồng chủ lực, trồng nhiều nhất thành phố Vị Thanh. Song song đó, trên địa bàn xã còn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ; Cụm công nghiệp, kho tàng bến bãi trên địa bàn xã rộng 42,2ha có 11 doanh nghiệp hoạt động. Toàn xã Tân Tiến hiện có 6 ấp (Mỹ Hiệp 1, Mỹ Hiệp 2, Mỹ Hiệp 3, Tư Sáng, Thạnh Quới 1, Thạnh Hòa 1), ngày 28-4-2014, xã Tân Tiến được công nhận đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

Xã Vị Tân

Thành lập ngày 23-10-1978, do chia tách từ đất thị trấn Vị Thanh. Địa bàn giáp ranh các huyện Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang) bởi rạch Ba Doi, rạch Lung Nia. Vị trí nằm về phía Tây và phía Bắc, cách trung tâm thành phố Vị Thanh 3km. Địa bàn xã có đường Lê Hồng Phong nối Đường tỉnh 931C đi Giồng Riềng, cùng nhiều thủy lộ kết nối các hướng như rạch Nàng Chăn, rạch Tràm Cửa, rạch Ba Doi, kinh 59, kinh 62, kinh Mười Thước. Toàn xã có 42 tên sông, rạch, kinh và 18,87km đường nhựa, có Đường tỉnh 933 đi qua.

Xã Vị Tân hiện có diện tích 2.297ha, dân số 11.027 người, với 9 ấp (ấp 1, ấp 2, ấp 2A, ấp 3, ấp 3A, ấp 4, ấp 5, ấp 6, ấp 7) với kinh tế chính là canh tác lúa, làm rẫy, vườn cây ăn trái. Trên địa bàn xã còn có nhiều công trình, cơ sở văn hóa, giáo dục của tỉnh và thành phố như Trường Cao đẳng cộng đồng, Trường Trung cấp nghề, Trường Nuôi dạy người khuyết tật, Trung tâm y tế, Trạm thủy văn Hậu Giang… Đặc biệt là di tích “Căn cứ thị xã ủy Vị Thanh” tại Ba Doi.

***

Theo đà phát triển của thành phố, các xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến, Vị Tân đang đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để trong tương lai tiếp tục chia tách, lập ra những phường mới. Đẩy nhanh đô thị hóa xã Vị Tân để thành lập 2 phường, đặt tên phường II và phường VI.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>