Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Các phường trực thuộc thành phố Vị Thanh

05/11/2021 | 08:03 GMT+7

Tính đến năm 2020, thành phố Vị Thanh có tổng diện tích 11.886,40ha với dân số 73.322 người bao gồm 3 dân tộc chủ yếu là dân tộc Kinh (66.487 người), dân tộc Khmer (4.494 người), dân tộc Hoa (3.982 người) và các dân tộc khác 54 người, sinh sống tại 5 phường, 4 xã với mật độ dân số là 642 người/km2.

Một góc đô thị mới tại phường V, thành phố Vị Thanh.

Phường I

Đây là phường trung tâm tại vị trí chợ Cái Nhum xưa; cũng là đô thị truyền thống hiện hữu của thành phố Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang với kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh. Phường hình thành từ ngày 1-7-1999, khi thị xã Vị Thanh được tái lập. Phía Đông và Đông Bắc giáp phường V; phía Tây và Nam giáp phường III; phía Bắc giáp phường IV. Trên địa bàn có 4 khu vực (1, 2, 3, 4), toàn phường có gần 30 tuyến đường, nhiều nhất thành phố, với tổng diện tích tự nhiên 74,6ha, dân số 5.628 người.

Ngày 3-7-2015, phường I được công nhận “Phường Văn minh đô thị”. Trên địa bàn phường có di tích lịch sử, văn hóa quốc gia “Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu”, nhà Bảo tàng, Thư viện tỉnh, nhà thờ Công giáo Vị Thanh, Khu văn hóa Hồ Sen và các trường học…

Phường III

Nối tiếp phường I, địa bàn phường III giáp phường VII về phía Tây Nam, giáp Hỏa Lựu về phía Đông Nam. Tuyến đường Trần Hưng Đạo nối từ phường I đi qua, dọc theo bờ kè - công viên Xà No khang trang. Phường III thành lập ngày 1-7-1999, khi thị xã Vị Thanh được tái lập với diện tích tự nhiên 1.355,2ha, dân số 10.703 người.

Ngày 19-11-2015, phường III được công nhận “Phường Văn minh đô thị”, toàn phường hiện có 6 khu vực (1, 2, 3, 4, 5, 6), trên địa bàn có chợ Vị Thanh (chợ Cái Nhúc), chùa Khmer MahaMăngCol, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang… Hiện toàn phường có 56,8km đường nhựa, 23 tên gọi sông, rạch, kinh.

Phường IV

Tọa lạc phía bên kia kinh Xà No về hướng Bắc, giáp xã Vị Tân, kinh 62 - đường Lê Hồng Phong đi huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Kết nối với phường V bởi cầu 30-4 và cầu Xà No; theo Đại lộ Võ Nguyên Giáp nối với khu đô thị hành chính, khu di tích “Chiến thắng Chương Thiện”. Phường được thành lập vào ngày 1-7-1999, với diện tích tự nhiên 797ha, dân số 12.754 người; toàn phường có 14 tên gọi sông, rạch, kinh với 15,78km đường nhựa.

Phường IV là địa bàn có nhiều cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo như nhà thờ Công giáo Vị Hưng và Vị Tín, nhà giảng Hội thánh Tin lành, chùa Phổ Minh, chùa Phước Huệ, chùa Pôthirăngxây, chùa Sasanarăngsây… Đặc biệt, trên địa bàn phường có khu hành chính Tỉnh ủy Hậu Giang, đối diện với khu hành chính – trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang, bên kia kinh Xà No tại phường V. Ngày 31-12-2016, phường IV được công nhận là “Phường Văn minh đô thị”, hiện địa bàn phường có 7 khu vực (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7).

Phường V

Đơn vị hành chính cửa ngõ của thành phố Vị Thanh về phía Đông, giáp ranh xã Vị Đông (huyện Vị Thủy). Đây là phường kết nối các tuyến đường chiến lược, từ Cần Thơ dọc theo kinh Xà No; đi qua huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy bởi Đường tỉnh 931B, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ và Quốc lộ 61 từ hướng Long Mỹ, Vị Thủy. Toàn phường có tổng diện tích tự nhiên là 791,44ha, dân số 7.270 người với 11 tên gọi kinh, rạch, 15km đường nhựa…

Ngoài các khu phố, chợ hoạt động thương mại truyền thống tại đường 3-2, Trần Hưng Đạo và một số tuyến đường mới mở - phần đô thị mới hình thành là khu hành chính HĐND - UBND, cùng các sở, ban, ngành của tỉnh… Trên địa bàn phường có di tích lịch sử, văn hóa quốc gia: Di tích chiến thắng Chương Thiện và công viên Hòa Bình… Các cơ sở thờ tự có chùa Quốc Thanh, chùa Hưng Thạnh Tự, Quan Thánh Đế Miếu, tịnh xá Ngọc Chương…

Phường VII

Nằm dọc theo kinh Xà No bờ Đông, giữa phường III và xã Tân Tiến. Phía Đông giáp xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến cũng là điểm cuối kinh Xà No, gặp rạch Cái Tư. Toàn phường có 30 tên gọi, sông, kinh, rạch và 96km đường nhựa, có đường Quốc lộ 61 đi qua.

Phường VII có tổng diện tích tự nhiên 621ha, dân số 7.809 người, với kinh tế chính là thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chợ Phường VII khá sung túc được lập từ thời khẩn hoang, còn gọi là chợ Cóc, chợ Vàm Xáng, chợ Hỏa Lựu. Phường VII còn có Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp lớn của thành phố với diện tích 62,5ha, đến năm 2019, có 15 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết hơn 3.000 lao động tại địa phương.

Trên địa bàn có nhiều đình, chùa, đền, miễu như Đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Ông Bổn, An Thành Tự, Hưng Đức Tự… Đặc biệt, phường có di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia “Chiến thắng Cái Sinh” nằm tại khu vực 2.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>