Vị Thanh hình thành và phát triển: Các loài chim, gia súc, gia cầm ở vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu

10/09/2021 | 11:50 GMT+7

Phía bên kia sông Cái Lớn, xứ Gò Quao ngang đất Vị Thanh, ngày xưa có sân chim lớn trong vùng U Minh, vì vậy, hàng ngàn con mỗi ngày qua lại vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu kiếm ăn. Có thể một số ở lại sinh đẻ, hình thành nên vườn cò Hỏa Lựu, trong đó, có rất nhiều loài chim hoang dã, to, cao tiêu biểu như:

Ngày nay, người dân vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu vẫn giữ tập quán chăn nuôi từ xa xưa.

Chàng bè

Có người kêu thằng bè hay bồ nông. Nó có lông màu xám mốc, chân có màng da như chân vịt, cổ cao, đầu nhỏ, mỏ lớn, rộng. Khi sải cánh dang rộng đến 2m, phần dưới mỏ chạy xuống cổ liền với một cái túi da mỏng, co giãn rộng ra, khi bắt được mồi, chàng bè đựng trong đó, khoảng 8-10kg.

Già đãy

Còn kêu là già sói hoặc lông ô vì bộ lông đen. Có người còn gọi là chó đồng vì vóc dáng lom khom, chạy rất nhanh trên đồng. Chim này cao đến 60-70cm, thường sống từng cặp, giữa đồng trũng nên người ta khó săn bắt được. Gọi là già đãy vì phía dưới mỏ của nó có một cái đãy da rất lớn, dùng để chứa thức ăn bắt được.

Các loài chim trên thuộc họ hạc (sếu), thường làm ổ, đẻ, ấp trứng trên những tán cây lớn tại sân chim trong rừng. Xưa người ta đi săn bắt các loài chim lớn này, vặt lông bán cho thương lái nước ngoài kết quạt. Những năm chiến tranh, không còn thấy bóng dáng chúng đâu nữa.

Bên cạnh các loài chim lớn, tại vườn cò Hỏa Lựu trước đây còn có nhiều loài chim nhỏ hơn như: Nhan sen, le le, cò ốc, cò ngà, cò quắm, điều mốc, diệc lửa, cồng cộc, gà nước, cu ngói, ốc cao, chàng nghịch, quốc… Ngoài ra có nhiều loài chim khác sống rải rác ở rừng tràm, đồng ruộng, ven sông, rạch như: két, quạ, diều, sáo, thằng chài, bìm bịp…

Cùng với các loài chim trời, ngay từ thời khẩn hoang, cư dân ở vùng đất Vị Thanh đã biết phát huy kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm để hỗ trợ, làm bạn giúp nhà nông trong việc cấy trồng hay làm nguồn lợi kinh tế như:

Trâu

Dễ nuôi, bởi rơm, cỏ là thức ăn dư thừa. Cứ vài ba nhà thì có chuồng trâu, chiều tối un khói đuổi muỗi mòng tản đi, chuồng giúp trâu tránh được mưa gió. Ban ngày, thỉnh thoảng người ta cho trâu nằm hầm hoặc đi cầm trâu chỗ đồng cỏ thật nhiều.

Trâu giúp cho nhà nông nhiều lợi ích, ngoài cày, bừa, trục… trâu còn kéo xe chở đất san lấp lung bàu, chở cá khi tát đìa, chở lúa về sân nhà…

Heo

Loại gia súc quan trọng kế tiếp được nuôi làm thực phẩm, thêm phần kinh tế phụ gia đình đó là heo. Vùng nông thôn, mỗi gia đình đều có chuồng heo, nuôi vài ba con.

Gà, vịt

Nhà nào cũng nuôi đàn gà, vịt làm thực phẩm cho gia đình hay bán chợ. Nuôi gà, vịt rất dễ, cứ thả lan trong vườn, dưới sông, mương. Nuôi số lượng nhiều mới cần chuồng trại.

Cư dân Vị Thanh có tập quán: Đến các kỳ giỗ, tết, tang gia, cưới hỏi hoặc có khách xa gần phải làm heo, gà, vịt đãi đằng. Lần hồi, có người bỏ vốn nuôi vịt chạy đồng, đẻ trứng, ăn lúa mót sau mùa vụ.

Chó, mèo

Đây là loài vật bạn nhà nông. Chó thì giữ nhà, cùng nhà nông đi rừng, đi ruộng săn bắt chuột, rắn… Mèo vừa nuôi làm cảnh, vừa để chúng bắt chuột phá hại bồ lúa. Do điều kiện không hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên vùng Vị Thanh không nuôi bò, ngựa hoặc các loài vùng cao.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>