Văn phòng cấp ủy viết tiếp truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, chu đáo, giữ vững nguyên tắc”

18/10/2021 | 08:53 GMT+7

Tháng 10-2021, đánh dấu kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. Đây chính là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành và ngày càng vững mạnh của Văn phòng cấp ủy, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Văn phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng.

Ngày 29-1-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã quyết định lấy ngày 18-10-1930 làm Ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy trong cả nước. Kể từ đó, ngày 18-10 hàng năm thực sự trở thành ngày hội, tôn vinh truyền thống của các thế hệ cán bộ, nhân viên công tác tại Văn phòng cấp ủy.

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm và đặc biệt quan tâm đối với công tác văn phòng, Bác đã nói: “Công tác văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình, cán bộ văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng…”, câu nói của Bác vừa là lời căn dặn, vừa là phương châm công tác của các thế hệ làm công tác văn phòng.

Qua từng thời kỳ cách mạng, mỗi thời kỳ gắn với những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu công việc, tổ chức bộ máy khác nhau, văn phòng các cấp ủy Đảng luôn tham mưu và phục vụ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động của cấp ủy và các đồng chí lãnh đạo Đảng; có nhiều đóng góp tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.    

Giai đoạn từ năm 1947-1953

Tháng 8-1948 tại làng Phú Hữu (nay là xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy) Đại hội đã bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 6 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Truyền Thanh (tức Ba Lê) làm Bí thư Tỉnh ủy. Cơ quan Tỉnh ủy lúc bấy giờ lấy tên là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Macxit, công việc chủ yếu của văn phòng trong thời gian này là biên soạn tài liệu, liên lạc, chuyển thư từ, tài liệu; bảo vệ, bố trí đưa đón cán bộ, sản xuất, xây dựng căn cứ, phục vụ yêu cầu cho lãnh đạo,... thời gian này đồng chí Hồ Thiện Tâm (Phạm Thế) làm trưởng văn phòng.

Cơ quan phải di chuyển liên tục qua các địa bàn trong vùng giải phóng để tránh địch càn quyét khủng bố như: Vàm Bi, Trường Xuân, Ông Tạc, Hòa Hưng, Vị Thủy, Vĩnh Tường… Tuy trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, gian khổ nhưng Văn phòng đã giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo điều hành công cuộc kháng chiến và chăm lo xây dựng đời sống Nhân dân vùng giải phóng.

Giai đoạn 1954-1975

Nhiệm vụ Văn phòng Tỉnh ủy lúc này là vừa đảm nhiệm công tác chuyên môn, vừa làm công tác vận động quần chúng; phát động Nhân dân tham gia du kích đánh đồn bót địch, đấu tranh chống địch khủng bố đàn áp Nhân dân. Đồng thời, Văn phòng còn vừa trực tiếp, vừa tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để phục vụ các điểm dừng chân cho các đồng chí Thường vụ Khu ủy; từ sau Tết Mậu Thân cho đến 1972 đã trực tiếp chăm lo xây dựng căn cứ, bảo vệ cơ quan phân khu thuộc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đặc biệt là chiến đấu giữ vững Căn cứ Tỉnh ủy ở Phương Bình (Phụng Hiệp) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mặc dù địch liên tục mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn, đóng đồn bót dày đặc, nhưng không đẩy được cơ quan Tỉnh ủy ra khỏi Căn cứ Phương Bình, ngược lại bị lực lượng của đội phòng thủ phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi máy bay và phá hủy các phương tiện khác của địch, thu hồi nhiều loại vũ khí, khí tài phục vụ cho quân ta.

Thời kỳ này, Chánh Văn phòng là đồng chí Võ Văn Nhiên, Phạm Kim Tòng, Nguyễn Quốc Hội, Trần Văn Hóa, Trần Nam Phú, Phạm Duy Khương, Huỳnh Công Đài, Lư Văn Điền.

Giai đoạn 30-4-1975 đến tháng 4-1992

Vào cuối năm 1975, tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng sáp nhập lại, lấy tên là tỉnh Hậu Giang. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy là tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

Chức năng nhiệm vụ của Văn phòng chủ yếu là theo dõi, kiểm tra thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, làm biên bản các cuộc họp, soạn thảo các văn kiện, thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; làm công tác văn thư lưu trữ, quản lý ngân sách Đảng, chuẩn bị điều kiện làm việc của cấp ủy và đảm bảo sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo.

Do chức năng nhiệm vụ thay đổi nên về mặt tổ chức, bấy giờ không còn các bộ phận căn cứ, giao liên, đơn vị phòng thủ; Ban Tài chính - quản trị Tỉnh ủy được thành lập, tách khỏi Văn phòng Tỉnh ủy.

Thời kỳ này Chánh văn phòng là đồng chí Lư Văn Điền, Huỳnh Thương, Đoàn Thế Lâm, Võ Minh Cân.

Giai đoạn từ tháng 4-1992 đến tháng 12-2003

Tháng 4-1992 tỉnh Hậu Giang được chia tách thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, tổ chức bộ máy Văn phòng Tỉnh ủy cũng được chấn chỉnh, sắp xếp lại. Năm 1993, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 17-CT/TW xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Tỉnh ủy của các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tháng 4-2001 Trung ương quyết định giải thể Ban Tài chính - Quản trị, Ban Kinh tế, Ban Nội chính Tỉnh ủy giao chức năng, nhiệm vụ của các ban này về Văn phòng Tỉnh ủy. Do vậy, Văn phòng Tỉnh ủy có thêm nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, thẩm định các dự án về lĩnh vực kinh tế, nội chính; theo dõi quản lý tài chính, tài sản Tỉnh ủy, bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc của các cấp ủy đảng. Thời kỳ này, Chánh văn phòng là đồng chí Phạm Thanh Vận, Nguyễn Hoàng Anh, Phạm Phước Như, Nguyễn Văn Sáu.

Giai đoạn từ tháng 1-2004 đến nay

Ngày 1-1-2004, tỉnh Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Năm 2004, tỉnh Hậu Giang trong điều kiện của một đơn vị mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, chỗ nơi làm việc chật hẹp, bộ máy nhân sự vừa thiếu, vừa yếu… đội ngũ cán bộ chỉ có 12 đồng chí được điều động từ Cần Thơ về, trong đó hết 4 lái xe; số khác do điều động từ các cơ quan khác, có người mới xin vào làm việc, nhiều đồng chí chưa từng công tác Văn phòng cấp ủy ngày nào, trong khi chế độ lương còn thấp, nhà công vụ không đủ ở; mà nhu cầu phục vụ công việc cho cấp ủy ở một tỉnh mới thì rất lớn; nhìn lại thời điểm đó chúng ta có thể thấy được đội ngũ Văn phòng rất nhiều khó khăn.

Trong điều kiện đó, với sự lãnh đạo chặt chẽ và sự quan tâm sâu sát của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực cấp ủy sự hỗ trợ các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị, địa phương, tập thể cán bộ công chức Văn phòng cấp ủy đã nỗ lực, quyết tâm từng bước khắc phục khó khăn, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, phục vụ cho công tác của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển địa phương đạt kết quả khá cao.

Trải qua chặng đường hơn 17 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay bộ máy của Văn phòng cấp ủy nói chung được sắp xếp, kiện toàn đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; đã và đang thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ cho Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành công việc hàng ngày. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Văn phòng cấp ủy phục vụ chung đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Bên cạnh đó, Văn phòng cấp ủy còn được giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu tổ chức và phục vụ mọi hoạt động, cả về hoạt động đối nội, đối ngoại của cấp ủy; là cơ quan làm việc gần gũi nhất, thường xuyên nhất với cấp ủy.

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy từ 2004 đến nay là đồng chí Đinh Văn Chung, Nguyễn Thanh Hải, Đồng Văn Thanh, Lê Công Lý, Võ Thị Mỹ Trang, Nguyễn Đăng Hải.

Trải qua chặng đường 91 năm, các thế hệ cán bộ, nhân viên Văn phòng cấp ủy đã cùng nhau viết tiếp trang sử vẻ vang và xây đắp thêm cho truyền thống tốt đẹp của đơn vị. Đó là tinh thần đoàn kết, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp ủy giao trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh; truyền thống đó sẽ mãi mãi nâng bước cho các thế hệ cán bộ Văn phòng cấp ủy mai sau.

Trong thời gian tới, mỗi cán bộ công chức Văn phòng cấp ủy sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, chu đáo, giữ vững nguyên tắc”, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là cơ quan tham mưu tổng hợp và phục vụ đắc lực của cấp ủy.

VĂN PHÒNG TỈNH ỦY HẬU GIANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>