Hiệp định Pa-ri và chiến thắng Chương Thiện: Một thành quả mang ý nghĩa lịch sử

23/01/2023 | 12:20 GMT+7

Năm 2023 đánh dấu 50 năm Ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 50 năm Chiến thắng Chương Thiện. Có thể nói 2 sự kiện quan trọng này là một thành quả có ý nghĩa lịch sử, là bước ngoặt dẫn tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ của Nhân dân Việt Nam

Nhà trưng bày tại khu Chiến thắng Chương Thiện.

Một hiệp định phải đổi bằng biết bao công sức và máu xương

Có nguy cơ sa lầy lớn trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã tính đến việc giảm bớt sự dính líu vào miền Nam Việt Nam, thay chiến lược quân sự từ “cục bộ” sang “Việt Nam hóa”. Nắm được ý định của Mỹ, Trung ương Đảng và Bác Hồ chủ trương mở cuộc tổng tiến công lớn vào các đô thị lớn ở miền Nam vào Tết Mậu Thân năm 1968. Cuộc tiến công đã giáng một đòn chí tử, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pa-ri - thủ đô nước Pháp để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hòa đàm Pa-ri là một cuộc đấu trí, đấu lực gay cấn giữa ta và địch, nó kéo dài gần 5 năm, với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc tiếp xúc riêng. Lúc đầu chỉ có 2 bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ. Đến cuối năm 1968 nâng lên 4 bên: Phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa do ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ làm Cố vấn đặc biệt; phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn; phía Hoa Kỳ do Ha-ri-man làm Trưởng đoàn; phía Việt Nam cộng hòa do Phạm Đăng Lâm dẫn đầu.

Ngày 23-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký tắt giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng H. Kít-xinh-giơ của Mỹ; sau đó được Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên chính thức ký kết ngày 27-1-1973 và có hiệu lực từ ngày 28-1-1973.

Nội dung hiệp định đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của phía ta đề ra, như Mỹ phải tôn trọng độc lập, thống nhất của Việt Nam; Mỹ rút hết quân, để Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai bằng tuyển cử; công nhận Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quân Bắc Việt không rút khỏi miền Nam; Mỹ phải bồi thường chiến tranh. Đây là một thắng lợi lớn của ta, còn địch thì phải cay cú chấp nhận!

Để có Hiệp định Pa-ri, có lúc chúng ta phải đánh đổi bằng xương máu trên chiến trường, như việc giữ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Hiệp định Pa-ri khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến yêu nước của Nhân dân ta, được cả Nhân dân tiến bộ thế giới và Mỹ ủng hộ. Hiệp định Pa-ri thể hiện sự thông minh tài trí của dân tộc Việt Nam, chiến lược gia sừng sỏ H. Kít-xinh-giơ của Mỹ phải chấp nhận thua cuộc trước chính trị gia sắc sảo Lê Đức Thọ của Việt Nam. Mỹ là tên đế quốc sừng sỏ đầy thâm hiểm nhưng phải chấp nhận thua ta vào nước cờ quân sự cuối cùng, đúng như dự đoán thiên tài của Bác Hồ năm 1967: “…đế quốc Mỹ… nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Có thể nói, đối với ta, Hiệp định Pa-ri là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và thời đại, vì đã thực hiện được một phần Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ là “đánh cho Mỹ cút”, mở đường đi đến “đánh cho ngụy nhào”, thực hiện thống nhất đất nước, “Bắc Nam sum họp một nhà”!

Chiến thắng Chương Thiện mở ra thời cơ kết thúc cuộc chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Ý định của địch và ta trước khi ký kết Hiệp định Pa-ri, bên nào cũng muốn tranh thủ giành thế có lợi, nhất là việc “lấn đất, giành dân” nhằm củng cố vị thế chính trị về sau.

Về phía địch, với lập trường “4 không” (không cộng sản; không cắt đất; không liên hiệp; không trung lập), chính quyền Nguyễn Văn Thiệu điên cuồng chống phá Hiệp định Pa-ri một cách trắng trợn.

Ngày 23-1-1973, tại Cần Thơ, Thiệu tuyên bố: “Cuộc chiến tranh đã bắt đầu”. Quân đoàn 4 địch phổ biến ngầm chủ trương: “Trên hòa bình dưới chiến tranh, ngoài hòa hợp trong bình định”.

Theo đó, chúng gấp rút triển khai thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, tập trung lấn đất giành dân vùng ruột Hậu Giang, mà trọng điểm là địa bàn tỉnh Chương Thiện của địch.

Sở dĩ địch chọn Chương Thiện vì đây là vùng đông dân nhiều lúa gạo, là địa bàn có vị trí chiến lược, rất cơ động để đi các hướng Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…, nếu chiếm được nơi đây, địch có thể khống chế, uy hiếp căn cứ địa cách mạng U Minh của ta.

Địch tập trung đánh phá vào địa bàn 3 huyện Gò Quao, Giồng Riềng và Long Mỹ, mà trọng điểm là khu vực Tây Vị Thanh (Bà Lớn - Ba Hồ), Đông Bắc Long Mỹ và Nam Phụng Hiệp, địch di chuyển sở chỉ huy Trung đoàn 31 của Sư đoàn 21 vào lập căn cứ trên Kinh 13 xã Vĩnh Viễn để chỉ huy đánh phá các xã địa bàn Tây Nam Long Mỹ (Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Lương Tâm thuộc quận Kiến Thiện - Ngan Dừa của địch).

Địch đã huy động một lực lượng lớn vào chiến trường Chương Thiện, gồm phân nửa quân địch ở miền Tây, có cả lực lượng hải quân Cát Lái ở Sài Gòn, lúc cao điểm tháng 11-1973, quân số địch lên đến 75 tiểu đoàn (tương đương), gồm đủ các loại quân binh chủng hợp thành. Âm mưu của địch là đẩy lực lượng chủ lực của ta ra khỏi Chương Thiện nhằm cô lập và uy hiếp căn cứ U Minh, rồi tiến tới chiếm đóng và bình định toàn bộ các tỉnh khu vực Tây sông Hậu.

Về phía ta, cũng chọn Chương Thiện làm địa bàn trọng điểm. Khu 9 huy động vào đây một lực lượng mạnh, gồm 4 trung đoàn bộ binh chủ lực (1, 2, 10, 20), Đoàn 6 pháo binh, Đoàn 8 đặc công và các tiểu đoàn bộ đội địa phương của Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá; trên 14.000 du kích và quần chúng…

Thực hiện “kế hoạch thời cơ” trước hiệp định, Trung đoàn 20 giải phóng 8 xã huyện Giồng Riềng áp sát thị xã Vị Thanh, Trung đoàn 1 cơ bản giải phóng các xã mạn Đông Bắc Long Mỹ - Nam Phụng Hiệp (Long Trị, Long Bình qua Phương Bình, Hòa An), tạo thành một tuyến dài trên 20 cây số từ Cái Nai đến gần ngã tư Cây Dương. Các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng đồng loạt tiến công giải phóng nhiều xã ấp, hỗ trợ Nhân dân nổi dậy phá thế kềm kẹp, trở về ruộng vườn cũ. Nhìn chung ta vẫn đứng vững các địa bàn trọng điểm, đẩy địch vào thế co cụm bất lợi trước lúc hiệp định được ký kết.

Ngày 28-1-1973, Hiệp định Pa-ri có hiệu lực thi hành, nhưng quân địch ở miền Tây vẫn cứ nổ súng lấn tới. Mặc dù không bị động, nhưng ở Khu 9 ta cũng bị “lượng sượng” mấy ngày đầu. Do ngại Mỹ lấy cớ để can thiệp quân sự trở lại nên Trung ương Cục chủ trương lấy đấu tranh chính trị và binh vận làm gốc, cấm dùng quân sự đánh địch, coi như về chính trị thì thực hiện “xanh vỏ, đỏ lòng”, về quân sự thì “gò cương, vỗ béo”.

Bộ Tư lệnh Miền điện phê bình T3 (Khu 9) không thi hành chủ trương của trên, cho là Tây Nam bộ xé Hiệp định Pa-ri. Nghe tin nói có người trên Trung ương Cục đòi đưa mình ra tòa án binh, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh bình tĩnh trả lời: “Chờ tôi đánh cái đã!”. 

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo và chỉ huy tài trí của Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Lê Đức Anh, Khu 9 vẫn tỏ ra tỉnh táo, sáng suốt tìm ra cách ứng phó đúng đắn, hiệu quả, kiên quyết không để mất đất, mất dân; biết phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân để chủ động đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.

Thời điểm những tháng đầu và giữa năm 1973, chiến sự bắt đầu leo thang ác liệt, đặc biệt là mặt trận Bắc Long Mỹ - Nam Phụng Hiệp. Trung đoàn 1 của khu phải đối chọi, quần lộn với trên 21 tiểu đoàn địch, đã hứng chịu hàng chục ngàn quả bom pháo, khu vực Cái Cao, Lái Hiếu đã diễn ra liên tiếp các trận đánh ta diệt địch cấp đại đội, tiểu đoàn, có những tiểu đoàn địch bị ta đánh quỵ đến 2 lần. Bộ đội ta trụ vững được là nhờ biết bám vào dân, được bà con các xã Long Trị, Long Bình, Phương Bình, Hòa An… của Long Mỹ và Phụng Hiệp hết lòng chở che giúp đỡ.

Kết hợp với mũi quân sự, ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, pháp lý, ngoại giao… làm cho kẻ địch vất vả chống đỡ. Hàng trăm người dân xóm Sài Gòn xã Long Bình đã đâm đơn cho đoàn nhà báo Mỹ tố cáo chính quyền Thiệu vi phạm Hiệp định Pa-ri với những bằng chứng không thể chối cãi.

Một nhà báo người Mỹ gốc Việt nói: “… tôi sẽ dùng ngòi bút nói lên sự thật về chiến tranh Việt Nam, góp phần cùng Nhân dân Việt Nam, ủng hộ Việt Nam”.

Cuộc chiến phi nghĩa của địch càng làm cho tinh thần binh lính thêm hoang mang rệu rã, tình trạng phản chiến và đào rã ngũ ngày càng gia tăng khiến cho sức chiến đấu của quân địch ngày thêm sa sút...

Sau những lần cố gắng cao nhất bất thành, bị tổn hao nhiều binh lực, không chiếm được các mục tiêu trọng điểm và ngày càng bị động đối phó khắp các chiến trường, nên đến giữa tháng 12-1973, địch âm thầm rút quân, coi như kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện của địch hoàn toàn đánh bại.

Qua 11 tháng chiến đấu ròng rã, kiên cường, quân và dân Khu 9 đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 40.000 tên địch, làm rã ngũ trên 10.000 tên, trong đó diệt gọn 1 liên đội bảo an, 6 tiểu đoàn, 64 đại đội, 2 giang đoàn tàu chiến, 2 chi đoàn xe thiết giáp; đánh thiệt hại nặng 34 tiểu đoàn, 4 sở chỉ huy trung đoàn, 1 căn cứ hải quân, 1 chi khu, gỡ 152 đồn; bắn chìm 128 tàu chiến, phá hủy 372 xe quân sự, 108 khẩu pháo, bắn rơi 37 máy bay; thu trên 1.000 súng các loại; giải phóng 120 ấp với trên 80.000 dân...

Chiến thắng Chương Thiện mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, không những có giá trị trong chỉ đạo chiến tranh mà còn rất cần trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trước hết, Chiến thắng Chương Thiện là chiến thắng của sự chủ động sáng tạo trong vận dụng chủ trương, nghị quyết của trên sát hợp với thực tiễn tình hình, không rập khuôn máy móc; Khu 9 đã có chủ trương táo bạo nhưng rất sáng tạo và đúng đắn.

Chiến thắng Chương Thiện là chiến thắng của tinh thần tiến công cách mạng, không mơ hồ hữu khuynh trước kẻ thù.

Chiến thắng Chương Thiện là chiến thắng của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, nhanh nhạy, quyết đoán “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung.

Chiến thắng Chương Thiện là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng sức mạnh tổng hợp và thế trận chiến tranh nhân dân; biết bám dân và tin dùng sức dân.

Chiến thắng Chương Thiện đã giúp Trung ương không những kinh nghiệm để chỉ đạo các chiến trường khác mà còn là cơ sở để hoàn thiện đường lối, hình thành chủ trương chiến lược, dẫn tới ra đời Nghị quyết 21 về quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Chương Thiện trực tiếp làm suy yếu thêm một phần quan trọng sinh lực quân đội Sài Gòn, tạo ra cục diện mới có lợi cho cách mạng miền Nam. Nếu Hiệp định Pa-ri năm 1973 đã mở ra bước ngoặt mới vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, làm cho chế độ Sài Gòn lâm vào tình thế bị động bất lợi nghiêm trọng thì Chiến thắng Chương Thiện là “cú bồi” tiếp mạnh mẽ, tiếp tục đẩy chế độ Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng, dẫn tới sụp đổ hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà!

Kỷ niệm 50 năm Ký kết Hiệp định Pa-ri và Chiến thắng Chương Thiện năm 1973, ôn lại quá khứ, chúng ta cảm thấy tự hào về lịch sử truyền thống cách mạng hào hùng của vùng đất Cần Thơ - Hậu Giang, của miền Tây Nam bộ, của Khu 9 năm xưa. Xúc động nhớ đến những ân nhân có công với nước; nhớ về bà con xóm Sài Gòn, kinh Đồng Gò, Long Phụng… hết mình vì bộ đội; nhớ về vị lãnh đạo quyết đoán Võ Văn Kiệt, vị Tư lệnh tài ba trận mạc Lê Đức Anh!

Chúng ta nguyện sẽ biến tinh thần sáng tạo, kiên cường vì độc lập tự do của các bậc tiền bối năm xưa thành ý chí và khát vọng vì hạnh phúc Nhân dân của lớp người thừa kế hôm nay. Quyết làm cho Hậu Giang trở nên hiện đại, giàu đẹp, văn minh, góp phần đưa vùng đất Chín Rồng - Cửu Long không ngừng vươn cao, bay xa về phía chân trời tương lai đầy xán lạn!

LÊ HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích