Đồng bào Khmer đón tết vui tươi, ấm áp

13/04/2023 | 09:42 GMT+7

Tết Chol Chnam Thmay năm 2023 diễn ra từ ngày 14 đến 16-4; mấy ngày qua, ở từng phum sóc, chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị sư sãi, sa di, bà con phật tử tất bật chuẩn bị.

Ông Thạch Mi vệ sinh di ảnh người thân để đón tết.

Đến thăm, tặng quà, chúc mừng Tết Chol Chnam Thmay năm 2023 ở một số chùa trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá: “Hiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Hậu Giang có nhiều thay đổi tích cực. Kết quả đó, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh, còn có sự đoàn kết, nỗ lực của đồng bào dân tộc Khmer trong sản xuất, phát triển kinh tế, rất cần phát huy”.

Chuẩn bị đủ đầy

Đang lau chùi di ảnh người thân, ông Thạch Mi, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tết là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính đối với ông bà, cha mẹ. Cho nên, dù công việc có nhiều đến mấy cũng phải dành thời gian dọn dẹp bàn thờ người thân, nhà cửa sao cho sạch sẽ. Tết này, gia đình tôi và bà con đồng bào ở đây vui lắm!”.

Theo ông Mi, có được niềm vui đó cũng nhờ cuộc sống ngày càng no ấm. Đón tết, gia đình ông Mi sửa nhà, xây hàng rào mới, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng, đó là thành quả từ sự tích cóp nhiều năm. “Gia đình tôi còn gói bánh, mua cho mấy đứa cháu vài bộ đồ mới để vui chơi. Năm mới, mong các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, cuộc sống sung túc”, ông Mi bày tỏ.

Còn hộ ông Danh Mựt, ở ấp 8, xã Vĩnh Trung, cũng chuẩn bị tết rộn ràng không kém. Cụ thể, ngoài dọn dẹp nhà cửa, ông còn mua tủ thờ, ti vi… tổng giá trị trên 40 triệu đồng.

Theo ông Danh Mựt, sau một năm vất vả mưu sinh, gia đình ông trân trọng nhất khoảnh khắc sum họp gia đình trong những ngày tết. Đây là dịp nhắc nhở con cháu về lòng tự hào, trách nhiệm gìn giữ phong tục, tập quán tốt đẹp của tết cổ truyền dân tộc.

“Chưa bao giờ đồng bào Khmer lại háo hức đón tết cổ truyền như năm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các cuộc vận động, thi đua ở địa phương, nhất là phát huy tinh thần đoàn kết để đời sống yên bình, phát triển”, ông Mựt nói.

Với đồng bào dân tộc Khmer, chùa không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng, tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đó việc chuẩn bị đón tết ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra rất kỹ.

Tết này chùa Chín Ngàn, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy hứa hẹn đón trang trọng hơn năm ngoái, bởi mới khánh thành Chánh điện, đồng thời đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc Khmer nơi đây khá hơn. Để đón tết, khoảng 5 ngày trước, các vị sư sãi, phật tử đến chùa quét dọn, lau chùi, treo cờ phật.

Theo Ban Quản trị chùa Chín Ngàn, năm nay ngoài các trò chơi dân gian, trong những ngày tết, chùa còn tổ chức văn nghệ; các vị sư sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc để hiểu nhiều, thực hiện hiệu quả hơn.

Nhiều chính sách chăm lo đồng bào dân tộc

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm qua, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng được triển khai, thực hiện sâu rộng, góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống.

Cùng với đó, các dự án, chương trình khác cũng được lồng ghép hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như: nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý…, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào đón tết vui tươi, ấm áp, năm nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với ngành chức năng, địa phương tổ chức một số hoạt động: thăm, chúc tết tại Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 2 trường dân tộc nội trú; họp mặt các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn...

Ông Trần Quốc Thẻo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Các hoạt động trên nhằm tiếp tục khẳng định đường lối, chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng ta về vấn đề dân tộc; thể hiện sự quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó cũng để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc trong việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thời gian qua; chúc mừng, động viên đồng bào tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương”.

Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, cho biết: “Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer thời gian qua. Hội sẽ tiếp tục vận động sư sãi, phật tử nêu cao tinh thần đoàn kết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế ngày càng tốt hơn”.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>