Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam

23/08/2021 | 23:23 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày (25/8/1911 - 4/10/2013) tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị, là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và cho tới nay là người duy nhất 2 lần được tặng thưởng Huân chương này (lần thứ nhất năm 1950 và lần thứ hai năm 1979).

Cuộc đời và hoạt động cách mạng

Sinh ra trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong Võ Nguyên Giáp ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, ông được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, ông ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế.

Năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.

Tháng 12/1944, ông được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, ông đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (ngày 19/12/1946), dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Võ Nguyên Giáp bắt đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Sau Hiệp định Giơnevơ ký kết không lâu, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình cách mạng mới, Võ Nguyên Giáp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông cũng có những đóng góp quan trọng trong lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, là một người có tài tổ chức, Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12/1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Với chiến lược quân sự tài ba, ông đã hoạch định chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự - đường lối chiến tranh Nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trước những kẻ thù mạnh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam, ông đã đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại.

Ông là Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng toàn quân lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng là tấm gương sáng để thế hệ sau học tập và noi theo. Dù thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó là bài học về tiến hành chiến tranh Nhân dân toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Bài học về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Bài học về phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và sáng tạo, tìm tòi, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bài học về xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Học tập và làm theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong suốt cuộc đời của Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội ta. Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Ông là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.

Với lòng kính trọng và ngưỡng mộ, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, các lực lượng vũ trang cả nước nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng luôn ra sức học tập và làm theo tấm gương của Đại tướng, luôn khắc ghi Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn học tập, nâng cao trình độ, quyết tâm xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó. Trong công tác luôn chủ động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc được phân công.

Luôn tu dưỡng, rèn luyện và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó chính là việc làm thiết thực tưởng nhớ người Anh Cả của quân đội ta, của lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đã, đang diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến mọi hoạt động đời sống xã hội và hoạt động của lực lượng vũ trang. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của Nhân dân; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhà với trách nhiệm chính trị và sự quyết tâm cao độ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, góp phần ngăn chặn, khống chế, không để dịch bệnh lây lan. Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch. Tất cả những việc làm đó đã góp phần tỏa sáng hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tấm gương sáng cho ý chí kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, yêu nước thương dân, bao dung độ lượng, đoàn kết nghĩa tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Học tập và làm theo tấm gương của Người, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn ra sức học tập, rèn luyện, công tác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

THU HẰNG (Trường Chính trị Hậu Giang)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>