Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang: Hành trình 20 năm xây dựng và phát triển

25/01/2023 | 09:49 GMT+7

Năm 2022, là năm có ý nghĩa đặc biêquan trọng, được xem là một dấu son sáng chói đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nói chung, trong đó NHCSXH chi nhánh tỉnh Hậu Giang nói riêng, đã tích cực chủ động, đồng hành xuyên suốt với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên chặng đường 20 năm qua. Trải qua gần 1/4  thế kỷ, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã minh chứng đây là một chủ trương rất nhân văn và sáng suốt, phát sinh từ ý nghĩ đúng, quyết định đúng và cách làm đúng được lan tỏa vươn xa.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trao bằng khen của các Bộ, ngành, Trung ương cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giai đoạn 2002-2022.

Mang cuộc sống mới đến với người nghèo

Ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cùng ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH, đã tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm hiện thực hóa cam kết thực hiện thành công các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, cùng với Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Xóa đói giảm nghèo, mà sau này là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Trong suốt quá trình hoạt động, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành NHCSXH, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã tham mưu UBND tỉnh  bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua từng thời kỳ, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch của tỉnh để triển khai thực sự có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn. Chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của tỉnh.

Với tinh thần đó, năm 2022 Chi nhánh NHCSXH tham mưu cho UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và 20 năm thành lập NHCSXH, với những thành quả tự hào, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Từ 2 chương trình tín dụng (cho vay hộ nghèo, cho vay Quỹ Quốc gia về việc làm) nhận bàn giao ban đầu với dư nợ là 43,772 tỉ đồng, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay NHCSXH đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách với 661.962 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 8.654,492 tỉ đồng, doanh số thu nợ đạt 5.370,647 tỉ đồng, tổng dư nợ đạt 3.273,912 tỉ đồng với 94.053 khách hàng đang vay vốn.

Ngoài nguồn vốn được cấp từ Trung ương, UBND tỉnh còn trích ngân sách địa phương từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh với số tiền 205,704 tỉ đồng, thực hiện cho vay hơn 12.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 1,6 ngàn lượt lao động.

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị mà nguồn vốn tín dụng chính sách được phát huy hiệu quả. Từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia cũng như các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Cán bộ NHCSXH luôn sâu sát với người vay vốn là hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng thuộc chương trình cho vay của ngân hàng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Tới đây, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của NHCSXH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kịp thời rà soát, tổng hợp nhu cầu nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, tiếp tục tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn từ ngân sách địa phương đối với một số chương trình tín dụng quan trọng. Rà soát cơ chế, chính sách cho vay từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời bổ sung hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tăng cường tham mưu trong việc kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trân Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay để đảm bảo mục tiêu “Tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách”. Tích cực huy động các nguồn lực thực hiện Cuộc vận động “Vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân, nhằm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc lồng ghép thực hiện tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. NHCSXH các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác từ địa phương; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ nhằm đem lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Với những thành tựu đạt được trong 20 năm qua trong thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, với vai trò là “cầu nối” là “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ trong việc triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục hành trình thực hiện vai trò, trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao. Trong niềm vinh dự và tự hào với thành quả 20 năm qua NHCSXH tỉnh Hậu Giang tiếp tục mang lại những mùa xuân ấm no và hạnh phúc cho tất cả hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 525/525 ấp, khu vực trên toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho 84.665 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút tạo việc làm cho 29.770 lượt lao động; giúp 46.393 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Xây dựng cải tạo 320.516 công trình (trong đó 211.736 công trình nước sạch, 108.780 công trình vệ sinh môi trường); hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở với tổng số 11.178 căn, trong đó có 2.561 căn nhà trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ xây dựng 8.272 ngôi nhà cho hộ nghèo; mua mới, xây dựng và sửa chữa 345 căn nhà cho người có thu nhập thấp,... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức có vay, có trả, sử dụng vốn có hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

 

THANH HÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>