Trường Sa không xa !

17/05/2022 | 04:58 GMT+7

Những chiến sĩ quân y là một phần không thể thiếu của mỗi đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Giữa trùng khơi, họ đích thực là “anh hùng” trong những “cuộc chiến” để giữ gìn, bảo vệ sức khỏe mọi người, trong đó có nhiều ngư dân.

Bài 2: Những chiến sĩ đảo xa khoác áo blouse trắng

Những năm qua, công tác y tế tại huyện đảo Trường Sa không ngừng được quan tâm, đầu tư và nâng chất. Từ những bệnh xá nhỏ, chỉ có những vật tư, thiết bị y tế và vài loại thuốc cơ bản, đến nay, nhiều nơi đã được đầu tư khang trang hơn, với nguồn vật tư, thiết bị y tế, thuốc men, đầy đủ và đa dạng hơn.

Với các thiết bị y tế được trang bị đầy đủ, chiến sĩ Ngô Hùng Vĩ, được chẩn đoán, điều trị kịp thời khi gặp vấn đề sức khoẻ.

Những câu chuyện không quên

Trong chuyến hải trình đến thăm Trường Sa cùng Đoàn công tác số 5 vừa qua của Quân chủng Hải quân, chị Trần Hồng Anh, đại biểu của tỉnh Hải Dương, không may có dấu hiệu đau bụng dưới. Giữa biển khơi, cơn đau đến bất ngờ khiến chị và tất cả mọi người trong đoàn đều lo lắng do không thể xác định được nguyên nhân và không chuẩn bị sẵn thuốc men. May thay, ngày hôm ấy, Đoàn công tác ghé thăm đảo Trường Sa Đông. Chị Hồng Anh được đưa đến bệnh xá của đảo, được nghỉ ngơi, thăm khám và cấp thuốc để uống kịp thời. Chẳng bao lâu, cơn đau qua đi, chị lại khỏe mạnh cùng đoàn công tác lên tàu tiếp tục chuyến hành trình.

Nhắc đến câu chuyện này, chị Hồng Anh không khỏi bồi hồi, xúc động. Chị kể: “Đột nhiên bị đau không rõ nguyên nhân, tôi rất hoang mang, lo lắng. Lúc đầu, mọi người cứ nghĩ là tôi đùa vì trước đó tôi vẫn khỏe mạnh lắm. Nhưng tôi đau thật, đau toát cả mồ hôi. May nhờ trên đảo có bệnh xá, có các chiến sĩ quân y, các anh đã thăm khám tận tình và cho thuốc uống. Nếu không có các anh, tôi cũng chẳng biết sẽ như thế nào giữa biển đảo xa xôi như thế này”.

Câu chuyện của chị Hồng Anh chỉ là một trong rất nhiều tình huống của các cán bộ, chiến sĩ, người dân, ngư dân và đại biểu của các đoàn công tác, không may gặp sự cố về sức khỏe khi đang ở huyện đảo Trường Sa. Hầu hết họ đều được các bác sĩ quân y tại các bệnh xá, trung tâm y tế của các đảo tiếp nhận, thăm khám, cấp phát thuốc kịp thời. Đối với những trường hợp bệnh chuyển nặng, bệnh nhân được liên hệ, hội chẩn và chuyển đến các bệnh xá lớn để điều trị.

Năm 2021, đảo Núi Le A tiếp nhận khoảng 250 lượt ngư dân đến khám, chữa bệnh. Trong đó, Trung uý, Bác sĩ Phan Văn Thành, Cán bộ y tế đảo Núi Le A, nhớ mãi lần tiếp nhận cấp cứu một ngư dân bị đột quỵ não. Trung úy Thành kể: “Ngư dân đã lên đảo và được các bác sĩ thăm khám, cấp cứu và theo dõi khoảng 2 ngày. Nhận thấy tình trạng ngư dân không có nhiều biến chuyển, đảo đã phối hợp chuyển ngư dân đến đảo Trường Sa Lớn và đưa vào bờ để xử lý kịp thời”. Những câu chuyện như thế không mấy xa lạ ở Trường Sa, câu chuyện nào cũng hồi hộp, căng thẳng và thấm đượm nghĩa tình quân dân.

Theo đại úy, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quang Huy, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa: “Đối với những bệnh nguy hiểm phức tạp thì chúng tôi sẽ báo lên Bộ Quốc phòng để cho trực thăng ra rước bệnh nhân vào đất liền điều trị. Như đột quỵ não trong 6 giờ vàng hay nhồi máu cơ tim thì mình không can thiệp mạnh được”.

Mỗi bệnh nhân vượt qua nguy kịch và khỏi bệnh là một động lực để các bác sĩ quân y ở Trường Sa tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người bác sĩ và người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió. Có họ, các cán bộ, chiến sĩ và người dân thêm vững tâm khi ra khơi bám biển, chung tay giữ gìn một phần lãnh thổ quan trọng của đất nước.

Bảo vệ sức khỏe mọi người nơi trùng khơi

Những năm qua, công tác y tế tại huyện đảo Trường Sa không ngừng được quan tâm, đầu tư và nâng chất. Từ những bệnh xá nhỏ, chỉ có những vật tư, thiết bị y tế và vài loại thuốc cơ bản, đến nay, nhiều nơi đã được đầu tư khang trang hơn, với nguồn vật tư, thiết bị y tế, thuốc men, đầy đủ và đa dạng hơn. Một số đảo đã có các bệnh xá lớn, với mức đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng. Riêng đảo Trường Sa Lớn có Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, dẫn đầu về cơ sở vật chất của cả huyện đảo. Song song đó, đội ngũ y, bác sĩ cũng thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị bệnh ngày càng cao trên đảo.

Thiếu tá, bác sĩ Vũ Xuân Tích, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Đông, cho biết: “Ở đây, chúng tôi được trang bị máy đo huyết áp, máy thở oxy, máy điện tim. Ngoài ra, còn có một số loại monitor phục vụ rất tốt cho việc phẫu thuật. Và có một điểm đặc biệt nữa là máy truyền hình telecom kết nối với đất liền. Trong quá trình điều trị chúng tôi có thể kết nối với các điểm cầu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để có hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.

Ra đảo Trường Sa Đông thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được hơn 4 tháng nay, chiến sĩ Ngô Hùng Vĩ, quê ở Khánh Hòa lần đầu bị tụt canxi. Người lính trẻ nhanh chóng được đưa đến bệnh xá để thăm khám, điều trị. Với các thiết bị y tế hiện đại, Vĩ được chẩn đoán đúng tình trạng sức khỏe, được sử dụng máy thở oxi. Nhờ đó, anh nhanh chóng phục hồi để tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. “Lần đầu bị tình trạng như thế này nên tôi cũng lo, nhưng ở trên đảo có bệnh xá và các bác sĩ quân y rất giỏi chuyên môn nên tôi cũng yên tâm điều trị”, chiến sĩ Ngô Hùng Vĩ chia sẻ.

Không chỉ thăm khám, điều trị các bệnh thông thường, hiện nay, một số bệnh xá tại Trường Sa đã có đủ năng lực, điều kiện để chẩn đoán, điều trị các bệnh phức tạp hoặc thực hiện các ca phẫu thuật cơ bản. Đại úy, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quang Huy, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa, cho biết: “Chúng tôi có hệ thống kết nối với vệ tinh Vinasat 1. Khi có trường hợp cấp cứu bệnh nhân khó chẩn đoán, điều trị, chúng tôi sẽ kết nối với bệnh viện. Bệnh viện sẽ cử các bác sĩ đầu ngành hướng dẫn chúng tôi chẩn đoán điều trị nếu trong tầm tay. Với trường hợp phẫu thuật, chúng tôi có 2 camera, 1 camera toàn thể và 1 camera chiếu vào trường mình mổ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn mình từng đường kim mũi chỉ”.

Nhờ y đức của những người bác sĩ đồng thời cũng là chiến sĩ tại huyện đảo Trường Sa, nhờ cơ sở vật chất và năng lực y tế không ngừng được cải thiện, mà công tác chăm sóc sức khỏe tại huyện đảo Trường Sa ngày nay ngày càng phát triển, không thua kém một số nơi trong đất liền, trở thành điểm tựa vững chắc, bảo vệ sức khỏe mọi người nơi trùng khơi.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

------------------

Bài 3: Sức sống xanh ở nơi hải đảo xa xôi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>